Thứ 6 - 26/02/2016
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI THÀNH LẬP HUYỆN NHƠN TRẠCH (01/9/1994-01/9/2024)
ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NHƠN TRẠCH RA SỨC THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI THÀNH LẬP HUYỆN NHƠN TRẠCH (01/9/1994-01/9/2024)
ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC ANH HÙNG - LIỆT SỸ, THƯƠNG BINH, NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI NƯỚC ĐÃ XẢ THÂN VÌ SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
KHUYẾN KHÍCH CÁ NHÂN, TỔ CHỨC NỘP HỒ SƠ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH QUA CỔNG DỊCH VỤ CÔNG https://dichvucong.dongnai.gov.vn TRONG GIAO DỊCH HÀNH CHÍNH
Chị Thu “Dân số”…

​Mặc dù đã về hưu được hơn một năm nay nhưng khi nhắc đến chị Nguyễn Thị Mộng Thu (nguyên Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình huyện Nhơn Trạch) là người dân trên địa bàn, đặc biệt là các chị em nữ công nhân nhớ đến ngay “Chị Thu Dân số”…Cái tên ấy đã gắn với sự nghiệp công tác của chị trong suốt hành trình dài của người thầy thuốc…

Chị sinh năm 1963, tại tỉnh Hà Tây (nay là Thành phố Hà Nội). Năm 1982, chị theo học trường kỹ thuật y tế Trung ương 3. Với ý thức cầu tiến và để có kiến thức chuyên môn sâu để phục vụ cho quá trình công tác, năm 1998 chị tốt nghiệp Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh với chuyên ngành cử nhân nữ hộ sinh. 

Khi mới ra trường, chị được nhận công tác tại Trạm Sinh đẻ kế hoạch tỉnh Đồng Nai (tiền thân của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh), là nhân viên phòng khám. Đến năm 1990, chị lại được phân công về huyện Long Thành (nay là Nhơn Trạch) với chức vụ Phó Phòng khám khu vực - phụ trách Trung tâm Sản - Kế hoạch gia đình liên xã đặt tại xã Đại Phước với nhiệm vụ triển khai thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch gia đình như: khám thai, khám phụ khoa, đỡ sanh, kế hoạch hóa gia đình cho nhân dân các xã…Kể từ đó, chị đã gắn bó với vùng đất và con người Nhơn Trạch cho tới khi nghỉ hưu với nhiều chức vụ khác nhau như: Quyền Trưởng khoa sản (2000 - 2002), Đội trưởng Đội Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em (2002 - 2007), Phụ trách Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (2007 - 2008) với nhiệm vụ vừa quản lý khoa vừa trực tiếp làm chuyên môn như khám thai, khám phụ khoa, đỡ sanh, kế hoạch hóa gia đình và vừa phụ trách chương trình Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em tại 12 Trạm y tế tại Trung tâm tế huyện Nhơn Trạch…Đến năm 2008 chị được Sở Y tế Đồng Nai điều động, bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Nhơn Trạch cho tới khi chính thức nghỉ hưu năm 2018.

2019.27.2 chi Thu.png 
Chị Nguyễn Thị Mộng Thu 

Hơn 30 năm công tác trong ngành y, phụ trách lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, bằng sự nỗ lực, vượt khó, năng động và trách nhiệm, chị đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chị đã tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình Bảo vệ sức khỏe bà trẻ em, chương trình DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện. Đồng thời, với hơn 10 sáng kiến, 02 đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực giúp giải quyết tốt các khó khăn, nâng cao chất lượng dân số, tư vấn và chăm sóc tốt sức khỏe sinh sản vị thành niên, phụ nữ và thanh niên công nhân tại địa phương. 

Vượt qua khó khăn và thử thách

Chị kể, sự nghiệp công tác của chị luôn có duyên với cái mới, mà cái mới bao giờ cũng sẽ nhiều thử thách và khó khăn. Nhưng đó lại chính là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy chị vượt qua và hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh của mình - chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ. Giai đoạn đầu khi mới về nhận công tác tại Trạm Sinh đẻ kế hoạch tỉnh Đồng Nai từ một cơ sở mới thành lập với bao khó khăn, thử thách. Sau 3 năm, nơi đây đã trở thành một cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản khu vực được nhân dân tin tưởng; mỗi tháng có từ 400 - 450 phụ nữ đến khám phụ khoa, khám thai, sinh đẻ, thực hiện kế hoạch hóa gia đình. 

Năm 1996, cũng là thời điểm Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch mới được thành lập nhưng với cương vị là Quyền Trưởng Khoa sản và Đội trưởng đội Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em đã triển khai hoạt động chuyên môn, nhanh chóng đi vào quỹ đạo chung của tỉnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi đó, nhân lực Khoa sản và Đội Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em của Trung tâm y tế huyện tất cả chỉ có 03 người; nhiệm vụ của chị vừa quản lý khoa sản, vừa trực chuyên môn, vừa quản lý chương trình Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em tại 12 Trạm y tế. Để khoa sản có thể phục vụ 24/24 giờ và phòng khám phụ khoa, cung cấp dịch vụ KHHGĐ phục vụ 8 giờ mỗi ngày chị đã phải nổ lực hết mình, chấp nhận hy sinh bản thân cùng với đồng nghiệp trực sản tua đôi, chỉ ra trực 1 buổi. Đáp lại những nỗ lực đó, chị cùng tập thể Khoa và Đội đã nhận được 03 bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai và Giải nhất Hội thi cộng tác viên dinh dưỡng giỏi cấp tỉnh năm 2003.

Cho đến năm 2008, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Nhơn Trạch mới thành lập cũng với rất nhiều khó khăn (về con người, trụ sở làm việc, cơ chế quản lý...) 100% viên chức mới tuyển dụng chưa qua đào tạo về dân số; nhưng với sự cố gắng không mệt mỏi với vị trí là Giám đốc, chị đã làm tốt công tác tham mưu cho Huyện ủy, HĐND - UBND huyện và Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đồng Nai công tác DS-KHHGĐ được đạt hiệu quả, công tác dân số được quan tâm hơn trong các chương trình kinh tế - xã hội của huyện góp phần tăng tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, duy trì được mức sinh thấp hợp lý, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, từng bước nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn của huyện.

Trăn trở với vấn đề sức khỏe sinh sản của tầng lớp công nhân trên địa bàn

Huyện Nhơn Trạch - nơi chị công tác xuất phát điểm là địa phương thuần nông, sau này khi các Khu Công nghiệp phát triển dẫn đến nhiền hệ lụy cho công tác Dân số - và KHHGĐ huyện, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của các nữ công nhân làm việc tại các Khu Công nghiệp trên địa bàn.  Đứng trước thực tế công tác có nhiều khó khăn, bất cập, hạn chế đó đã thôi thúc chị tích cực học tập, trau dồi kiến thức, suy nghĩ tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác Dân số trên địa bàn huyện. Với hơn 10 sáng kiến, 02 đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực; góp phần cho thành công của công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn của huyện và tỉnh.

Sáng kiến “Mô hình tiếp cận cung cấp thông tin và dịch vụ DS-KHHGĐ để cải thiện sức khỏe sinh sản cho công nhân tại khu công nghiệp” được xuất phát từ thực tế trong những lần đi cơ sở tổ chức các hoạt động truyền thông, chị nhận thấy công nhân là nhóm đối tượng có nguy cơ cao về sức khỏe sinh sản, đặc biệt là mang thai ngoài ý muốn. Với trăn trở và mong ước làm một điều gì đó để góp phần thay đổi thực trạng trên, chị suy nghĩ xây dựng mô hình cung cấp kiến thức - dịch vụ DS-KHHGĐ để cải thiện sức khỏe sinh sản cho công nhân tại các khu công nghiệp. Năm 2015, chị đã tham mưu UBND huyện triển khai mô hình này tại 2 công ty Hwaseung Vina và công ty May mặc United Sweethearts VN, tại 3 nhà trọ ở 3 xã trọng điểm và 12 Trạm y tế xã. Mô hình này đã phát huy hiệu quả nhưng chi phí ít, phù hợp với điều kiện nhân lực của Trung tâm DS-KHHGĐ; tiếp cận được nhiều công nhân, không ảnh hưởng đến sản xuất và thời gian sinh hoạt của công nhân nên dễ được tầng lớp công nhân chấp nhận thực hiện. Do đó, mô hình đã đưa được kiến thức – dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đến cho công nhân; giúp giảm mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, giảm mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản - bệnh lây truyền qua đường tình dục; nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho công nhân. 

Cũng xuất phát từ tình trạng phá thai ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là công nhân trên địa bàn huyện. Chị cho biết, thời điểm năm 2016, tại Bệnh viện đa khoa huyện số phá thai là 111/177 trường hợp đến sinh (công nhân chiếm hơn 80%). Theo chị, đó mới chỉ là con số thống kê từ một cơ sở y tế nhà nước, con số thực sự còn lớn hơn rất nhiều từ các cơ sở y tế tư nhân. Chị tâm sự, là một người trong nghề, bản thân cũng là phụ nữ và là một người mẹ, mặc dù trong quá trình công tác chị đã luôn nỗ lực hết mình làm việc không mệt mỏi mỗi khi xuống cơ sở, xuống các Khu nhà trọ với chị em công nhân nhưng chị vẫn luôn cảm thấy trăn trở và xót xa khi chứng kiến những ca nạo phá thai ngoài ý muốn. Để đi tìm đáp án cho câu hỏi: Thực trạng phá thai hiện nay như thế nào? Các nguyên nhân dẫn đến phá thai của phụ nữ tuổi sinh đẻ là gì? Những “lỗ hổng” nào từ công tác truyền thông - tư vấn và cung cấp dịch vụ KHHGĐ đang cần phải khắc phục ngay? Nhóm đối tượng nào cần quan tâm can thiệp? Chị đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Khảo sát các yếu tố liên quan đến tỷ lệ phá thai ở phụ nữ tuổi sinh đẻ tại 01 cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn huyện Nhơn Trạch”. Qua kết quả nghiên cứu đó, đã phản ảnh đúng thực trạng, tìm ra được nguyên nhân và giải pháp khắc phục những hạn chế trong công tác truyền thông tư vấn và cung cấp dịch vụ KHHGĐ; góp phần giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, giảm tỷ lệ phá thai ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn huyện, đặc biệt là đối với các nữ công nhân trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.

Cùng với đó, chị đã cùng với nhân viên của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện không quản ngại đêm hôm, mưa gió, để về cơ sở, đến các trường THPT, các Khu Nhà trọ công nhân trên địa bàn để tư vấn, truyền thông và cung cấp dịch vụ KHHGĐ và tổ chức khám sức khỏe sinh sản - khám tiền hôn nhân cho nam nữ chuẩn bị kết hôn diện nguy cơ cao…góp phần nâng cao chất lượng dân số. 

Năng động, nhiệt tình và giản dị

Tự nhận mình là người có phong cách làm việc khoa học, năng động và sáng tạo. Điều này được minh chứng rất rõ ràng và chân thực bởi những bài trình chiếu power point sinh động, những câu hỏi, những tài liệu phục vụ cho truyền thông và tập huấn mạng lưới do chính tay chị trực tiếp biên soạn, chị còn xây dựng tiểu phẩm và xây dựng kịch bản luyện tập cho đội tuyên truyền viên (TTV) của huyện dự liên hoan TTV các cấp (đạt Giải nhất Liên hoan TTV cấp tỉnh, giải ba Liên hoan TTV khu vực phía nam, giải ba Liên hoan TTV toàn quốc năm 2012; đạt giải nhất tập thể hội thi TTV giỏi – thanh lịch cấp tỉnh năm 2014)…Chính vì vậy, trong công việc chị cũng luôn yêu cầu nhân viên của mình – những người trẻ phải năng nổ hơn, nhiệt tình hơn và tận tâm hơn. Chị cho rằng, mọi sự cố gắng, nỗ lực của chị chính là tấm gương để các em noi theo trong quá trình công tác.

Khó khăn trong công việc là thế nhưng trong mối quan hệ với đồng nghiệp với quần chúng nhân dân, chị luôn giản dị, đoàn kết, thân thiện. Chị chia sẻ, công việc của chị thường xuyên tiếp xúc với những tầng tớp yếu thế trong xã hội, ngoài việc quan tâm, ân cần động viên, chia sẻ, chị còn thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bằng những việc làm cụ thể như: tư vấn, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí. Những buổi tư vấn, truyền thông của chị cho các chị em công nhân đôi khi là khoảng đất trống ướt sũng giữa 2 Khu Nhà trọ, với một mái vòm che tạm, 01 màn hình trình chiếu dã chiến trên tường nhà…Mặc gió, mặc mưa, mặc cho đêm tối thầy và trò vẫn quyết tâm mang kiến thức đến cho công nhân giúp cho họ biết bảo vệ sức khỏe sinh sản, biết chọn cách tránh thai an toàn để không phải mang thai ngoài ý muốn…Chẳng thế mà khi nhắc đến tên chị, họ gọi chị thân thiết với cái tên “chị Thu Dân số”…Khi được hỏi: “Nghề y là một nghề khó khăn và nhiều thử thách, một sai lầm nhỏ cũng có thể là một bước ngoặt hoặc có thể thay đổi một sinh mệnh, một cuộc đời, vậy chị đã bao giờ phải hối hận về điều gì chưa?”. Chị nở nụ cười thật nhẹ nhàng và hạnh phúc: “Trong hơn 30 năm công tác, lòng chị thanh thản vì đã cấp cứu thành công rất nhiều trường hợp nguy cấp sản khoa trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất và đã không để xảy ra tai biến chuyên môn nào…Hạnh phúc và ấm áp hơn cả, chính là đến thời điểm này, mặc dù chị đã nghỉ hưu được tròn một năm nhưng số điện thoại và nơi chị ở vẫn luôn là địa chỉ tin cậy của chị em phụ nữ, đặc biệt là nữ công nhân tìm đến để chị tư vấn, giải đáp và giúp đỡ khi gặp những vấn đề về sức khỏe sinh sản”.

Những ngày này, trong không khí cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955-27/2/2019). Không còn những bằng khen, những giải thưởng như trong thời gian còn công tác, nhưng giờ đây còn mãi sự tin yêu, tin tưởng của những bệnh nhân, của người dân chính là những món quà vô giá, là những bó hoa tươi thắm gửi tặng đến chị - một tấm gương sáng của ngành y tế huyện Nhơn Trạch.  

Đoàn Mai




1 - 3 Next
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Xem thêm

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NHƠN TRẠCH - TỈNH ĐỒNG NAI

Chịu trách nhiệm chính: Ông Lương Hữu Ích – Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch

             Địa chỉ: Số 01, đường Phạm Văn Thuận, ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai

Điện thoại: (0251)3521.234 – 3521.110 – Fax: (0251)3521.090 – Email: ubnd-nt@dongnai.gov.vn

Giấy phép xuất bản số 52/GP-TTĐT ngày 11/8/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

-------------------------------------------------------------------------------

Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa và Thông tin - Địa chỉ: Ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - Điện thoại: (0251)3251.139, Email: pvhtt-nt@dongnai.gov.vn

(Việc trích đăng lại mọi thông tin từ Website này xin vui lòng ghi rõ nguồn trích dẫn)​​