Thứ 6 - 26/02/2016
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI THÀNH LẬP HUYỆN NHƠN TRẠCH (01/9/1994-01/9/2024)
ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NHƠN TRẠCH RA SỨC THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI THÀNH LẬP HUYỆN NHƠN TRẠCH (01/9/1994-01/9/2024)
ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC ANH HÙNG - LIỆT SỸ, THƯƠNG BINH, NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI NƯỚC ĐÃ XẢ THÂN VÌ SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
KHUYẾN KHÍCH CÁ NHÂN, TỔ CHỨC NỘP HỒ SƠ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH QUA CỔNG DỊCH VỤ CÔNG https://dichvucong.dongnai.gov.vn TRONG GIAO DỊCH HÀNH CHÍNH
​Chuyện về người nữ chiến sỹ dân công yêu nước

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, có những người con gái đã không ngần ngại dành cả thanh xuân cống hiến cho cách mạng, họ đã sống, chiến đấu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Bà Thái Thị Lá (còn gọi là bà Tư Lá) – ngụ ấp Bà Trường, xã Phước An là một minh chứng rõ ràng nhất về hình ảnh người nữ chiến sỹ dân công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba.

0.1.2.022100 - Copy.jpg

Bà tham gia cách mạng khi vừa bước qua tuổi 17, là độ tuổi đẹp nhất, nhiều hoài bão nhất của một người con gái, rồi từ ấy bà tiếp tục sống, chiến đấu, phục vụ cách mạng cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng vào ngày 30/4/1975. Kể lại quá trình tham gia cách mạng với một sự xúc động, nhiều ký ức chợt ùa về làm, qua lời kể của bà có thể hình dung rõ bức tranh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của quân và dân xã Phước An. Năm 1950, bà được Ban huấn luyện triệu tập tham gia đợt huấn luyện đầu tiên với những kỹ năng chiến đấu cơ bản của người chiến sỹ. Sau 1 tháng xa gia đình để rèn luyện thì bà được ra chiến trường và được phân công vào đội “dân công hỏa tuyến”, thực hiện nhiệm vụ đào hố phá đường để ngăn xe của địch; vào rừng, nơi căn cứ của quân ta đóng giữ (xã Phước An) để gánh lúa, giã gạo, sàng gạo...Mỗi khi có địch tập kích thì bà lại ôm súng chạy thẳng vào trong rừng cố thủ, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Năm 20 tuổi, bà tiếp tục tham gia đoàn thể phụ nữ bí mật với nhiệm vụ tiếp tế thức ăn, thuốc men, may vá quần áo cho bộ đội. Lúc này bà cùng với chồng mình là ông Phan Văn Vỹ cũng là du kích hoạt động cách mạng, ban ngày chồng bà làm ngư dân đánh bắt cá trên sông, còn ban đêm là cùng bộ đội đánh đồn bốt của địch.

Bà Tư Lá nhớ lại: “Hồi đó ở sau nhà là rừng, đêm nào mà nghe ai quăng đá vào vách nhà là tôi biết mấy chú bộ đội về, trong rừng thiếu thứ gì là mấy chú nhờ tôi mua hộ hoặc có cơm thì cho mấy chú ăn lót dạ, rồi nhà có gì thì cho cái đó”.

Khi đó vì đồn bốt của địch đóng gần nhà nên mọi hoạt động đều phải hết sức cẩn thận, mỗi lần họp Ban liên lạc, bà cùng các nữ chiến sỹ băng rừng nhưng phải đảm bảo rằng không để lại dấu vết, đường mòn, chỉ bẻ một cành cây nhỏ để làm dấu, họp xong, để qua mắt địch mỗi người sẽ mang theo giỏ chem chép được các chiến sỹ bộ đội chuẩn bị sẵn mang về, bà tự nhủ lòng nếu không may bị phát hiện sẽ cho lời khai giả chứ nhất quyết không hé nửa lời về căn cứ của bộ đội ta.

May mắn là trong suốt thời gian hoạt động bí mật, bà không bị địch phát hiện, còn chồng bà ông Phan Văn Vỹ, do tham gia đánh đồn bốt địch, trong lúc thu chiến lợi phẩm như: súng ống, đạn dược, các vật dụng địch bỏ lại thì bị một tên còn sống nhận dạng được. Ông bị bắt và giam ở nhà lao Chí Hòa, sau đó thì đày ra nhà tù Côn Đảo, bị địch tra tấn dã man bằng hình thức chích điện, đánh đập nhưng với một lòng sắt son, trung thành với cách mạng, ông nhất quyết không khai bất kỳ thông tin nào về căn cứ Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, trở về với gia đình khi đất nước giải phóng, sức khỏe giảm đi vài phần vì bị tra tấn dã man. Cho đến lúc mất đi ông mãi là tấm gương về tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất, ông được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.

Nhắc về người chồng đã mất, bà Tư Lá không giấu được niềm tự hào, bà kể rằng, chồng bà thường tiếp tế thuốc men, đường tán, gạo, mắm cho bộ đội trong Đặc khu Rừng Sác bằng cách chèo xuồng và ngụy trang làm người đánh bắt cá, đồ tiếp tế lúc nào cũng để một hòn đá to, nếu trên đường gặp tàu địch thì ông sẽ dùng chân đẩy thẳng xuống sông để phi tang, ngày nào may mắn không gặp tàu địch tuần tra thì các chiến sỹ bộ đội nhận được thực phẩm, thuốc men đầy đủ.

Bà Tư Lá xúc động kể: “Mấy chú có đưa tiền nhưng có thiếu tôi sẽ mua thêm cho đủ những vật dụng các anh cần vì thấy bên địch được ăn uống sung sướng, thịt cá ngày ba bữa còn bộ đội mình nhiều khi chỉ ăn với muối xả ớt, cơm độn khoai mà xót. Mỗi lần ban ấp nói dân độn thêm khoai mì để ăn là biết ta dành gạo cho bộ đội, dân ở ngoài ăn gì cũng được còn bộ đội thiếu thốn đủ bề, vậy mà vẫn đánh thắng Mỹ mới tài”.

Qua lời kể của bà, khu vực Phước An khi đó là vùng oanh tạc tự do, máy bay địch mỗi lần ném bom những nơi khác, còn 1,2 trái bom cũng thả xuống Phước An nên người dân nơi đây thường xuyên sống trong cảnh phải di tản, nhà nào cũng đào sẵn hầm để tránh bom rơi, đạn lạc. Đồn bốt địch ở Long Thọ bị đánh sập, địch cũng chỉ nã đạn vào Phước An vì nghi ngờ có bộ đội đang trú ẩn.

Thật vậy, không chỉ có mình bà theo cách mạng mà người em trai ruột của bà và 02 người em chồng cũng tham gia cách mạng từ rất sớm, Bà Tư Lá có người em trai là liệt sỹ Thái Xuân Quang, giữ chức vụ Trung đội phó, hi sinh tháng 6/1969 khi đang làm nhiệm vụ tại trạm quân y địa phương, liệt sỹ được trao tặng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà Tư Lá nhớ lại, liệt sỹ Quang là người thông minh, sáng dạ, để em trai được học hành biết chữ bà đã nhờ cậy hàng xóm giúp đỡ để em trai được đi học và sau đó làm việc cho quân y, điều trị, cứu chữa cho chiến sỹ, bộ đội bị thương. Liệt sỹ Quang bị trúng bom khi đang trên đường đi lấy thuốc về căn cứ. Người em chồng của bà là ông Phan Sơn, lúc bấy giờ ông được tập kết ra Bắc làm trong xưởng quân khí, chế tạo súng, khi hòa bình lập lại thì về địa phương làm việc.

Nối tiếp truyền thống cách mạng của gia đình, bà Tư Lá còn là hội viên Hội mẹ truyền thống xã Phước An, chỉ 2 năm gần đây vì sức khỏe yếu nên bà không đi vận động quần áo cũ như những năm trước. Ông Phan Tùng Quân, con ruột bà Tư Lá cho hay: “ mỗi khi nhận được tiền trợ cấp là mẹ tôi không bao giờ tiêu xài cho cá nhân mà có khi xin thêm con cháu mỗi người một ít để đóng góp cho xã hoặc mua khăn rằn tặng cho các mẹ trong Hội mẹ truyền thống. Năm nào bà cũng tự đi vận động hàng chục bao quần áo cũ rồi mang lên hội phụ nữ để tặng cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt”.

Thời bình cũng như thời chiến, bà Lá vẫn giữ vững một niềm tin sắt son vào cách mạng, vào Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuy đã ở độ tuổi “gần đất xa trời”, mắt bà đã kém hơn nhiều và những bước chân có phần yếu hơn xưa nhưng bà vẫn giữ được một tinh thần minh mẫn và một phẩm chất cao quý của người nữ chiến sỹ anh hùng. Có thể nói, tấm gương của bà Thái Thị Lá chính là bài học quý giá về giàu lòng yêu nước, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm để thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo và càng thêm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương Nhơn Trạch hào hùng.

Xuân Mai


1 - 3 Next
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Xem thêm

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NHƠN TRẠCH - TỈNH ĐỒNG NAI

Chịu trách nhiệm chính: Ông Lương Hữu Ích – Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch

             Địa chỉ: Số 01, đường Phạm Văn Thuận, ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai

Điện thoại: (0251)3521.234 – 3521.110 – Fax: (0251)3521.090 – Email: ubnd-nt@dongnai.gov.vn

Giấy phép xuất bản số 52/GP-TTĐT ngày 11/8/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

-------------------------------------------------------------------------------

Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa và Thông tin - Địa chỉ: Ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - Điện thoại: (0251)3251.139, Email: pvhtt-nt@dongnai.gov.vn

(Việc trích đăng lại mọi thông tin từ Website này xin vui lòng ghi rõ nguồn trích dẫn)​​