Sáng ngày 15/3/2023,
tại Hội trường UBND xã Vĩnh Thanh, UBND huyện Nhơn Trạch đã tổ chức Lễ công bố
và trao bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh di tích khảo cổ Gò Me. Về dự buổi lễ, cấp
tỉnh có ông Nguyễn Hồng Ân – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và
ông Nguyễn Việt Sơn – Giám đốc Bảo tàng tỉnh; cấp huyện có ông Lương Hữu Ích –
Phó Chủ tịch UBND huyện và ông Đặng Kim Hoàn – Phó Chủ tịch HĐND huyện, cùng lãnh
đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, các ngành, đoàn thể và đông đảo bà con nhân dân xã
Vĩnh Thanh.

Huyện Nhơn Trạch đón bằng bằng xếp hạng Di
tích cấp tỉnh
di tích khảo cổ Gò Me
Di tích khảo cổ Gò Me thuộc ấp Chính Nghĩa,
xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, phát hiện vào tháng 4 năm 2004. Tại một số hố do nhân dân địa phương đào lấy cát hoặc
đào móng xây nhà đều có thể quan sát thấy rõ tầng văn hóa trên vách các hố đào.
Qua các dấu vết đã phát hiện cho thấy đây là di tích khảo cổ có quy mô lớn, chứa
đựng nhiều tư liệu cần được khai quật và nghiên cứu nhằm góp thêm tư liệu khoa học mới trong việc nghiên cứu về
lịch sử vùng đất con người của
huyện Nhơn Trạch. Trải qua 2 đợt khai quật năm 2004 và 2019 đã xác định Di tích Gò Me là di tích có tính chất quan trọng
trong diễn trình lịch sử văn hóa Đồng Nai, là di chỉ cư trú, công
xưởng làm gốm và là mộ táng của những cư dân cổ cách đây khoảng 3.000 năm. Các nhà
khảo cổ nhận định địa bàn cư trú ở di tích khảo cổ Gò Me gần gũi với các làng
cổ ven sông Thị Vải và làng cổ trên cọc nhà sàn vùng ngập mặn Bà Rịa - Vũng
Tàu. Những hiện vật phát hiện được đóng vai trò là nguồn sử liệu quan trọng
để nghiên cứu về chủ nhân xa xưa tại di tích này.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Lương Hữu Ích
– Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Việc công nhận di tích cấp tỉnh đối với di
tích khảo cổ Gò Me có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ là sự ghi nhận về giá
trị lịch sử, văn hóa mà còn là “hành lang pháp lý” để bảo vệ và phát huy giá trị
của di tích. Phó Chủ tịch huyện cũng đề nghị các cơ quan, ban ngành, đoàn thể
huyện nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung sức cùng nhân dân địa phương làm tốt
công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ Gò Me, để
di tích Gò Me thực sự trở thành nơi cho mọi người dân tìm hiểu về cội nguồn, về
lịch sử và văn hóa qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục cho thể hệ trẻ về
lòng tự hào dân tộc, bề dày lịch sử văn hóa mà cha ông để lại. Đồng thời, mong
muốn các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục hỗ trợ địa phương trong việc bảo tồn
và phát huy các giá trị di tích, nhất là di tích khảo cổ Gò Me.
Văn
Trường