Bà Nguyễn Thị
Ngọc (72 tuổi), ngụ ấp 2, xã Long Thọ hiện đang là Chi hội phó Chi hội Người
cao tuổi và Hội Chữ thập đỏ ấp 2, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bản
thân bà và người thân trong gia đình đã có công lao rất lớn khi tham gia cách
mạng, nuôi giấu cán bộ, chiến sỹ, hỗ trợ tích cực về vật chất để quân ta đánh
thắng kẻ thù, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Ngọc được tặng Bằng khen và
Huy chương kháng chiến Hạng Nhì vì có những đóng góp vào cuộc kháng chiến chống
Mỹ cứu nước
Bà Ngọc tham gia cách mạng khi vừa tròn 17 tuổi, bà
cùng với nhiều thanh niên khác trong vùng sớm giác ngộ cách mạng và hăng hái
lên đường làm nhiệm vụ. Thời gian đầu, bà được phân công vào tổ giao liên, được
đặt bí danh riêng là Kim Nhung, nhiều lần bà và đồng đội bị địch theo dõi, phát
hiện nên phải rời tổ chức, tạm ngưng hoạt động trong thời gian dài. Bà Ngọc nhớ
lại: “Tôi được giao phụ trách thông báo tin tức, liên lạc tình hình chiến sự,
sau đó thì được triệu tập vào đội dân công, tuy nhiên khi mới bắt đầu làm nhiệm
vụ dân công thì địa điểm của tôi bị địch phát hiện và bỏ bom dữ dội, nhiều
chiến sỹ, bộ đội, du kích đã hi sinh, tôi may mắn thoát chết nhưng có nhiều
đồng đội đã hi sinh. Do tình hình chiến sự căng thẳng nên những ngôi mộ của
đồng đội cũng phải chôn vội vàng, thậm chí mọi người tận dụng những hố bom để
chôn các chiến sỹ, sau đó lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ, chính vì vậy mà
đến nay công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ gặp không ít khó khăn, do địa hình
địa vật thay đổi”. Cũng theo lời của bà, vào năm Mậu Thân 1968, trong gian khó,
nguy nan nhưng những thanh niên tuổi 18 đôi mươi vẫn không ngừng bước tiếp, ai
cũng phải mang hàng chục kí lô hàng hoá, đạn dược nhưng trên đường hành quân,
mọi người thường động viên nhau và dùng lời ca tiếng hát để xoa dịu sự mất mát,
đau thương cũng là để vững lòng tin vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến
trường kỳ.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương là xã
Long Thọ ngày nay, bà tiếp tục hoạt động cách mạng nhưng dưới hình thức nuôi
dấu cán bộ, chiến sỹ. Nhà bà nhờ có vị trí đắc địa, xung quanh là rừng bao phủ
nên bộ đội, du kích thường chọn nơi đây để nhận tiếp tế. Bà Ngọc kể lại: “Năm
1969, trong lúc bộ đội họp bàn phương án đánh du kích và tiếp nhận lương thực
thực phẩm thì bị địch phát hiện, bắn phá, trong lúc tránh đạn dưới hầm thì tôi
bị trúng đạn, khi đó vì thấy vết thương của tôi rất nặng nên quân địch đã đưa
đi điều trị, không tiếp tục lục soát, nhờ vậy mà những người khác không bị phát
hiện”.
Sở dĩ bà Ngọc sớm đi theo cách mạng là bởi trong gia
đình bà, những người thân sinh đều tin tưởng vào Đảng, vào Chủ tịch Hồ Chí
Minh. Mẹ của bà là bà Đỗ Thị Thanh, được tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất
đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tháng 12 năm 1975, bà
Đỗ Thị Thanh còn được Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng tỉnh Biên
Hoà tặng giấy khen vì đã tham gia “đấu tranh chống bắn phá và nuôi dưỡng cán
bộ, làm thông báo cho du kích và cán bộ…”. Cũng trong trí nhớ của bà Ngọc, cha
của bà là ông Nguyễn Văn Xướng thường được bộ đội nhờ mua nhu yếu phẩm, mua vải
may cờ tổ quốc và tiếp tế lương thực thực phẩm. Sau khi đất nước giải phóng,
trong lúc thu dọn các giấy tờ của quân địch để lại ở trụ sở thì bà mới phát
hiện cha của bà bị quân nguỵ cho vào danh sách đen, trong tờ giấy bà Ngọc còn
lưu giữ có ghi rõ “Phiếu theo dõi phần tử tình nghi hoạt động cho cộng
sản…đương sự Nguyễn Văn Xướng từ năm 1964 đã liên lạc với du kích ấp 2 – xã
Phước Long (xã Long Thọ ngày nay)”. Tuy hai cụ thân sinh của bà không còn nhưng
bà Ngọc vẫn thường nhắc nhở con cháu ghi nhớ về những đóng góp và công lao của
thế hệ đi trước.
Ngày nay, mặc dù đã ngoài 70 tuổi nhưng bà Ngọc vẫn
nhiệt tình tham gia công tác xã hội, với vai trò là Chi hội phó Chi hội Người
cao tuổi và hội Chữ thập đỏ ấp 2, bà Ngọc cùng với Chi hội thường xuyên quan
tâm, thăm hỏi những hội viên khó khăn, kịp thời hỗ trợ về vật chất và động viên
tinh thần, góp phần chăm lo đời sống cho người cao tuổi; bà cũng tích cực hưởng
ứng các phong trào tình nguyện do Hội CTĐ các cấp phát động như: tham gia nấu
các bữa ăn từ thiện, vận động nhân dân hiến máu cứu người;…
Với những đóng góp quan trọng vào việc che chở, đảm bảo an toàn cho lực
lượng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà Nguyễn Thị Ngọc
vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Bằng khen và Huy chương kháng chiến
Hạng Nhì. Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 đang đến gần, chúng ta càng nhớ ơn và
tri ân những gia đình có công với cách mạng và câu chuyện về sự dũng cảm, một
lòng đi theo cách mạng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cán bộ, chiến sĩ của gia
đình bà Ngọc chính là bài học sâu sắc và ý nghĩa nhất để giáo dục cho thế hệ
trẻ ngày nay về lòng yêu nước và tinh thần cách mạng kiên cường.
Xuân Mai