Thứ 6 - 26/02/2016
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI THÀNH LẬP HUYỆN NHƠN TRẠCH (01/9/1994-01/9/2024)
ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NHƠN TRẠCH RA SỨC THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI THÀNH LẬP HUYỆN NHƠN TRẠCH (01/9/1994-01/9/2024)
ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC ANH HÙNG - LIỆT SỸ, THƯƠNG BINH, NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI NƯỚC ĐÃ XẢ THÂN VÌ SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
KHUYẾN KHÍCH CÁ NHÂN, TỔ CHỨC NỘP HỒ SƠ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH QUA CỔNG DỊCH VỤ CÔNG https://dichvucong.dongnai.gov.vn TRONG GIAO DỊCH HÀNH CHÍNH
Nhà cổ họ Đào – Dấu tích văn hóa 100 năm

​Hơn 100 năm nay, người dân Phú Hội và các vùng lân cận cũng như nhiều vùng khác biết tới nhà cổ - từ đường họ Đào không chỉ ở vẻ bề thế của một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ mà còn ở nét đẹp văn hóa truyền thống tiềm ẩn được kiểm chứng bởi thời gian. Sự hòa quyện giữa giá trị vật chất và tinh thần tạo cho ngôi nhà cổ nét đặc trưng tôn thêm giá trị vốn có của nó. Ngôi nhà cổ - từ đường họ Đào được chọn là một trong số 401 ngôi nhà cổ tiêu biểu về kiến trúc đại diện cho nền kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XIX cũng như minh chứng ghi dấu tiến trình hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.

Nhà cổ họ Đào – tọa lạc trên mảnh đất yên bình

Phú Hội là mảnh đất được hình thành từ buổi đầu của thời kỳ khai phá. Địa danh Phú Hội cũng xuất phát từ mong ước về một cuộc sống ấm no, niềm khát khao về một tương lai tốt đẹp của những lưu dân Việt đến đây khai khẩn. Di tích nhà cổ họ Đào tọa lạc trên phần đất của gia tộc họ Đào thuộc ấp Phú Mỹ II, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.Cuối thế kỷ XIX, gia tộc họ Đào đã trở thành một phú gia nơi vùng đất Phú Hội. Họ nức tiếng trong vùng với những vựa lúa đầy ắp, những đồi cây ăn trái sum suê, những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay qua bao đời khai phá. Đấy là thời điểm ông Đào Mỹ Thiền (con trai thứ 4 trong dòng tộc họ Đào) quyết định xây cất ngôi nhà. Ý tưởng về một ngôi nhà khang trang vừa là nơi thờ tự gia tiên, nơi con cháu sum họp, vừa là nơi bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống đã ấp ủ trong nếp nghĩ của dòng tộc. Trải qua 3 năm xây dựng, ngôi nhà cổ - từ đường họ Đào hoàn thành với tổng kinh phí, vật liệu, công thợ vào loại bậc nhất thời bấy giờ. Dân trong vùng ngưỡng vọng thành quả tạo dựng của một dòng tộc với xuất phát điểm bằng hai bàn tay trắng. Ngôi nhà cổ - từ đường họ Đào có tên gọi Đạt Đức đường (Ngôi nhà của bậc quân tử. Theo học thuyết của Khổng tử, người quân tử nếu có 3 điều Nhân – Trí – Dũng thì được gọi là Đạt Đức). Người dân vùng Phú Hội thường gọi từ đường họ Đào bằng cái tên Nhà hội đồng Liêu. Nhà cổ - từ đường họ Đào nằm ẩn mình sau hàng quít dại, thấp thoáng dưới những tán cây xanh tươi của vườn cây ăn trái rộng 5.000m2 với diện tích 466m2, ngôi nhà hòa mình vào cảnh sắc hiền hòa của làng quê bình dị. 



2019.17.4 nha co ho Dao 1.JPG
Dàn cột gỗ tồn tại gần 100 năm nhưng vẫn còn chắc chắn

Dấu ấn văn hóa, điêu khắc, kiến trúc thế kỷ XIX

Cũng giống như hầu hết những ngôi nhà cổ khác ở Nhơn Trạch, về cơ bản nhà cổ họ Đào có những đặc điểm chung với những ngôi nhà cổ ở ở Nam bộ, đều được xây dựng theo kiểu thức kiến trúc của Đàng Trong với kiểu nhà được ưa chuộng, mang tính truyền thống, tiêu biểu là dạng nhà chữ đinh (J), một ngang – một dọc mở rộng dạng xuyên trính, không gian sinh hoạt được phân bổ theo bố cục truyền thống. Nhà trên là nơi thờ phụng, tiếp khách đồng thời là nơi ngủ của các thành viên nam trong gia đình. Nhà dưới là nơi nghỉ và tiếp khách thân thuộc dành riêng cho các thành viên nữ. Phần mở rộng gồm: nhà bếp – nơi nấu nướng, ăn cơm hàng ngày và kho chứa thóc gạo.

Nhà trên chiếm diện tích 188m2 gồm 3 gian 2 chái với 48 cột gỗ căm xe O 35 đen bóng chia thành 8 hàng. Khung nhà thuộc loại nhà xuyên trính. Cây xuyên được chạy chỉ thẳng tắp nối kết 3 gian nhà chính, trính được chạy chỉ uốn cong như cánh én. Đoạn 2 đầu kèo giao nhau là motip chày cối với cánh dơi bao bọc được đẽo tạc công phu mang biểu trưng trời – đất. Mối nối các đoạn kèo được liên kết với nhau tài tình trong nét chạm trổ điêu luyện bởi các motip dân gian: mai điểu, trúc tước, tùng lộ, bút thư…cùng hệ thống dây lá đan xen hài hòa…Nhìn vào nhà trên ta có thể thấy, mặc dù  tương đối thoáng đãng nhưng vẫn giữ được không gian nội thất cổ kính của thuở tạo lập như: bộ trường kỷ, bàn hột xoài, tủ thờ, phản gỗ, hệ thống bao lam…và tuân thủ chặt chẽ cách bày trí: nội tự (trong thờ cúng) và ngoại khách (ngoài tiếp khách).

Phần nội tự được bố trí 3 bàn thờ ở 3 gian chính giữa và nằm gọn trong khoảng không gian của ½ mái nhà phía sau. Các bàn thờ, tủ thờ được chạm cẩn xà cừ công phu với những đường nét sắc sảo theo các chủ đề: ngư tiều canh mục, bát tiên quá hải, cúc yến, trúc tước…ba gian thờ còn đầy đủ bát nhang, chân đèn, đỉnh đồng, bình hoa, chò tứ quả được bày đúng như cách bày trí truyền thống: đông bình – tây quả. Tất cả đều được duy trì từ đời ông Đào Mỹ Thiền và được các thế hệ con cháu trong dòng tộc bảo quản bằng ý thức tự hào về thân thế và dòng tộc của mình. Với ba bức bao lam ngăn cách không gian tôn nghiêm nơi thờ tự - dành cho người đã khuất và không gian trần tục- nơi tiếp khách đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc, những tuyệt tác về chạm lộng này đã tôn thêm vẻ đẹp lộng lẫy trang nghiêm nơi thờ tự. Hệ thống bao lam là tổng hợp của những motip dân gian được lồng ghép vào nhau trong một tổng thể hài hòa tạo thế tĩnh nhưng rất sống động. Hệ thống cửa trước của ngôi nhà được trang trí rất công phu, cầu kỳ. Đấy là kiểu cửa đà võng có chạm trổ. Mỗi một khung cửa là một mảng kiến trúc độc lập với những cánh én, khuôn bông đối xứng nhau, trổ trên đấy những dây leo, hoa lá, hồi văn, quyển thư, nho sóc, mai điểu…đan xen nhịp nhàng. Mỗi khung cửa đều có 4 cánh độc lập dạng chấn song con tiện tạo nên những khoảng ô đều nhau.

Bên cạnh những tác phẩm điêu khắc hoàn mỹ, nghệ thuật trang trí đã làm nổi bật giá trị của ngôi nhà thể hiện óc thẩm mỹ của gia chủ. Với 11 bức hoành phi, 8 cặp liễn đối bằng chữ Hán đường nét sắc sảo được sơn son thếp vàng xen kẽ nhau như tạo hồn cho ngôi nhà với đầy đủ tính thâm nghiêm hàm ẩn nhiều ý nghĩa sâu xa. Vượt lên tác dụng trang trí, nó là những lời khuyên, lời dạy bảo, những nguyện ước của ông cha làm nền tảng nhắn nhủ con cháu kế tục phát huy truyền thống hiếu đễ, nghĩa nhân trong dòng tộc. Nổi bật là bức hoành phi viết chữ Hán: Thiện tối lạc (rất vui sướng khi làm việc thiện) được khảm xà cừ cách điệu bằng những cành mai, đào vừa có tác dụng trang trí vừa mang tính giáo huấn. Hay, 4 bức liễn đối được khảm xà cừ với những dải dây lá, hoa cỏ, chim muông viền xung quanh, nổi bật lên 6 bài thơ chữ Hán viết theo lối thảo thư rất có giá trị. Bên trên 4 bức liễn là 4 chữ phước viết theo lối cách điệu trong Bách phúc toàn đồ (100 cách viết chữ phúc). Hoặc một số bức hoành phi khác: Lạc thiện hảo nghĩa (vui với điều thiện, yêu thích việc nghĩa), Nghiệp quảng duy cần (sự nghiệp mở mang là nhờ vào sự chuyên cần)…rất có giá trị về hình thức lẫn nội dung biểu đạt.

Nhà dưới có diện tích 159m2 được kiến trúc theo kiểu nhà tứ trụ (bát dần) gồm 8 đâm và 8 quyết. Diện tích được mở rộng ra bốn phía bằng bộ kèo đâm và kèo quyết tạo cho nhà dưới không gian rộng rãi, thoáng như một số ngôi đình, chùa Nam bộ. Với 40 cây cột gỗ căm xe kết hợp cùng các vì kèo, đòn dông, đòn tay đã tạo nên bộ khung vững chãi cho ngôi nhà. Hai buồng gói đặt ở ½ lòng nhà phía sau và được trổ 2 cửa ra hành lang bao quanh nhà dưới. Không gian nhà dưới được bố trí bàn ghế cẩn xà cừ, bàn hột xoài, phản gỗ đen nhánh. Phần mở rộng có diện tích 119m2 gồm: nhà kho, nhà bếp và sân trong, được xây theo kiểu nhà nọc ngựa (nhà rọi) nằm song song nhau…Tất cả tạo nên một chỉnh thể liên hoàn khép kín.

Có thể thấy, nhà cổ họ Đào là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, với sự liên kết hài hòa giữa các hạng mục độc lập tạo nên một tổng thể đa dạng. Được tận mắt chiêm ngưỡng công trình kiến trúc cổ ấy với những bao lam, bàn ghế, tủ thờ, khuôn bông, cánh én, cửa, vì kèo…chạm trổ tinh vi, sống động, chúng ta thấy rõ được khối óc sáng tạo, bàn tay tài hoa của đội ngũ nghệ nhân dân gian xưa cũng như dấu ấn văn hóa, điêu khắc, kiến trúc thế kỷ XIX.

2019.17.4 nha co ho Dao.png
Nhà cổ họ Đào còn giữ được nhiều những vật có giá trị như bàn, tủ, sập…


Nhà cổ họ Đào – trong đời sống xã hội hiện đại

Phú Hội là một trong những địa phương có tốc độ đô thị diễn ra nhanh và mạnh mẽ, diện tích đất đai đô thị mở rộng, đã phần nào phá vỡ mô hình tổ chức làng xã xưa; dân cư các nơi về đây làm ăn sinh sống ngày càng nhiều; tình hính chính trị xã hội trở lên phức tạp kéo theo nhiều các vấn đề an sinh, xã hội. Xưa kia, nhà cổ họ Đào cũng như những ngôi nhà cổ khác của Phú Hội đều được chọn nằm ở những vị trí địa hình đắc địa, với vườn rộng, ngõ đẹp, ngôi nhà được bao quanh bởi hàng rào cây râm bụt hoặc cây quýt dại. Ngày nay, trong quá trình phát triển và xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp, mở rộng đường làng ngõ xóm khiến các ngôi nhà cổ trở nên trũng thấp; không gian, cảnh quan nhà cổ họ Đào đã có sự thay đổi, diện tích xung quanh nhà đã phần nào bị thu hẹp.  Khi đến thăm nhà cổ họ Đào, chúng tôi được ông Đào Mỹ Trí Nhân, người trông coi ngôi nhà cổ họ Đào hiện tại chia sẻ: “Năm 1990, khi được gia đình giao cho trông coi ngôi nhà, tôi đã dỡ mái ngói móc tây (khoảng 1m2) ở những gian buồng nhà trên và nhà dưới  để thay thế bằng tấm ngói bằng nhựa trắng để lấy ánh sáng, tạo vẻ thoáng đãng cho những gian buồng...Trước đây, toàn bộ khuôn viên nhà rộng trên 5000m2 nhưng hiện giờ chỉ còn khoảng 4000m2 vì nhà tôi phải bỏ ra 1000m2 đất để làm đường. Tiện thể, mặt trước ngôi nhà tôi xây tường rào bao quanh bằng lưới B40 luôn”. 

Xưa kia, hàng rào râm bụt, quýt dại được dựng lên chỉ mang tính chất trang trí cho một tổng thể không gian xanh, hài hòa với thiên nhiên. Ngày nay, cuộc sống đô thị, làng xóm đã mang tính chất mở, không còn khép kín như xưa, tình hình an ninh trật tự phức tạp bởi dân cư đông, pha tạp nhiều luồng văn hóa, cùng với lối sống xô bồ của công nhân ở trọ. Do đó, hàng rào hiện nay không chỉ để xác định mốc lộ giới, chủ quyền của mỗi gia đình mà còn để tránh người lạ dòm ngó, đề phòng trộm cắp có thể xảy ra. Nhìn tổng thể, ngôi nhà cổ nằm lạc lõng giữa những ngôi nhà hiện đại cao tầng, nhà ống, những phòng trọ chen chúc...Tuy nhiên, không vì thế mà dấu tích văn hóa ấy bị lãng quên, ngôi nhà tồn tại hơn 100 năm ấy luôn được các thế hệ con cháu họ Đào nâng niu, gìn giữ như một thứ tài sản vô giá…Hàng năm, ngôi nhà đón tiếp rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước tới tham quan, học tập, nghiên cứu kiến trúc cổ của dân tộc và những đoàn làm phim đến dựng và quay phim. Theo ông Nguyễn Vũ Anh – Phó chủ tịch UBND xã Phú Hội: “Phú Hội là một trong những địa phương hiện còn gìn giữ được khá nhiều ngôi nhà cổ (khoảng 15 ngôi nhà) nhưng nổi bật trong đó là nhà cổ Họ Đào vẫn còn giữ nguyên những nét tiêu biểu với nhiều vật dụng có giá trị như bàn, tủ, sập… Thời gian qua, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn rất quan tâm đến việc gìn giữ và bảo tồn ngôi nhà. Qua đó, đã tư vấn, đóng góp ý kiến hỗ trợ chủ nhân có phương pháp thích hợp nhằm bảo tồn và gìn giữ giá trị di tích cổ này...”. Có thể thấy, khi nói đến nét văn hóa tiêu biểu huyện Nhơn Trạch, người ta nghĩ ngay đến nhà cổ họ Đào. Bởi nhà cổ họ Đào, xã Phú Hội không chỉ đơn thuần là nơi để ở mà còn trở thành một tác phẩm sáng giá về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc cổ truyền. Tham quan tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của nhà cổ Nhơn Trạch là tìm về cội nguồn để hiểu và tự hào về lịch sử khẩn hoang lập ấp của ông cha ta.

Đoàn Mai




1 - 3 Next
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Xem thêm

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NHƠN TRẠCH - TỈNH ĐỒNG NAI

Chịu trách nhiệm chính: Ông Lương Hữu Ích – Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch

             Địa chỉ: Số 01, đường Phạm Văn Thuận, ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai

Điện thoại: (0251)3521.234 – 3521.110 – Fax: (0251)3521.090 – Email: ubnd-nt@dongnai.gov.vn

Giấy phép xuất bản số 52/GP-TTĐT ngày 11/8/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

-------------------------------------------------------------------------------

Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa và Thông tin - Địa chỉ: Ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - Điện thoại: (0251)3251.139, Email: pvhtt-nt@dongnai.gov.vn

(Việc trích đăng lại mọi thông tin từ Website này xin vui lòng ghi rõ nguồn trích dẫn)​​