ĐỀN
THỜ LIỆT SỸ HUYỆN NHƠN TRẠCH
Quang
cảnh trước Đền thờ
Công
trình Đền thờ Liệt Sĩ huyện Nhơn Trạch được xây dựng để ghi ơn,
tưởng nhớ hương hồn các anh hùng Liệt Sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng đã nằm xuống trên mảnh đất
Nhơn Trạch. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 10/11/1998 và khánh
thành vào ngày 01/9/1999. Đây là
kết quả từ sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa – Vũng
Tàu, huyện Long Thành và các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Quận 7 của Thành phố Hồ Chí
Minh; công trình là thành quả từ sự
nỗ lực, đầy tâm huyết của cán bộ, nhân dân huyện Nhơn Trạch và cán bộ, chiến sĩ
Trung Đoàn 10 Đặc Công. Trên tổng diện tích 20.000 m2, toàn bộ công
trình được thiết kế với cấu trúc quần thể hoành tráng kết hợp tính hiện đại và
tính dân tộc truyền thống. Cổng tam quan cổ kính, nhà văn bia ca ngợi công đức
của những người khai phá vùng đất Nhơn Trạch và các liệt sĩ đã hy sinh; Hoa
viên cây cảnh bố trí hài hoà. Trên mặt hồ nước rộng 825 m2 tượng
trưng cho vùng sông nước Rừng Sác là tượng đài chiến sĩ Đặc Công Rừng Sác mạnh
mẽ trong tư thế ra trận. Đi
thêm vài bước, du khách sẽ nhìn thấy Đền thượng, tiến vào bên
trong Chánh điện có tượng Bác
Hồ, hai bên là các bảng đá hoa cương khắc tên tuổi của hơn 2.000 Liệt Sĩ và Mẹ Việt
Nam anh hùng đã hy sinh xương
máu, thân mình cho độc lập dân tộc. Đền thờ liệt sĩ huyện Nhơn Trạch đã vinh dự
được đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các đoàn
khách quốc tế, bạn bè gần xa, các tầng lớp nhân dân trong cả nước đến viếng và
thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Đền thờ là một biểu tượng truyền thống
cách mạng vẻ vang và tình cảm thủy chung, son sắc của người dân Nhơn Trạch.
Tượng đài Chiến sỹ đặc công Rừng Sác
Bia đá ca ngợi chiến công và sự hi sinh của quân
dân
Nhơn Trạch
ĐỊA ĐẠO NHƠN TRẠCH – NHÀ TRƯNG
BÀY
Địa đạo Nhơn Trạch và nơi làm việc
của Huyện ủy được Huyện ủy Nhơn Trạch xưa kia khởi công
đào đúng vào ngày 19/5/1963, nhân kỷ niệm 73 năm ngày sinh nhật
của Bác Hồ kính yêu.
Nhà Trưng bày trong khuôn viên Địa đạo Nhơn Trạch
Địa
đạo Nhơn Trạch được hình thành và tồn tại hơn một thập kỷ (1962-1975) mà quân
thù không phát hiện được, là nơi trú ẩn vững chắc của các cơ quan lãnh đạo, đặc
biệt còn là nơi an toàn để cho ra đời nhiều quyết định đúng đắn nhằm chống lại
chiến dịch đánh phá bình định cấp tốc của địch vào năm 1974, cũng từ đó quân và
dân ta tạo thêm thế lực mới trên chiến trường Nhơn Trạch với lối đánh tiến sâu
táo bạo, bộ đội ta đã chiếm đồi Bình Phú (thuộc xã Long Tân) và xây dựng nên trận
pháo 130 ly vào đêm 29/4/1975 tại đồi Bình Phú, tại đây lần đầu tiên pháo của
ta nã đạn dồn dập vào sân bay Tân Sơn Nhất tạo điều kiện cho các binh chủng
Trung ương phát huy thế mạnh, góp phần tô điểm thêm trang sử hào hùng của quân
và dân Nhơn Trạch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Du khách nghe thuyết minh tại Nhà Trưng bày
Lối đi bên trong Địa đạo
Theo lời kể của nhân chứng lịch sử, Đội
đào địa đạo là lực lượng của Huyện ủy với số lượng khoảng 20 người, mọi người thay phiên nhau đào theo ca trực, chỉ bằng dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, cán bộ Huyện
ủy với lòng yêu nước, sự nhiệt huyết và quyết tâm cao, trong thời gian từ tháng 5 năm 1963 đến cuối năm 1964 đã đào
được 1,5km đường địa đạo theo hình zích zắc khép kín, liên hoàn trong lòng đất,
nối từ Căn cứ Huyện ủy về các xã Phú Hội, Phước An, Huyện đội Nhơn Trạch…. dưới
sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Thông (còn gọi là Hai Thông - Bí thư Huyện
ủy Nhơn Trạch lúc bấy giờ). Đường địa đạo có kết cấu hình vòm nằm sâu dưới mặt
đất từ 5m đến 7m, độ cao từ 1,8m đến 2m, rộng khoảng 1m;
có nhiều lỗ thông hơi, ngách rẽ sang hai bên, hầm bí mật, giếng nước, bếp Hoàng
Cầm… Đường địa đạo có thể chịu đựng sức công phá của bom 250kg, chứa được
khoảng từ 300 đến 500 người. Để bảo tồn và phát huy di tích Địa đạo Nhơn Trạch,
huyện Nhơn Trạch đã tiến hành tu bổ, phục hồi lại đoạn địa đạo dài 200m theo
lời kể của nhân chứng lịch sử. Địa đạo Nhơn Trạch đã tồn tại trong thời gian hơn một thập kỷ
(từ năm 1962 đến năm1975) và đã được công nhận là Di
tích lịch sử cấp tỉnh. Sau khi ra khỏi địa đạo, du khách có thể tham quan tiếp
hệ thống giao thông hào và bếp Hoàng Cầm trong khuôn viên Nhà trưng bày.
Mô phỏng quá trình đào Địa đạo Nhơn Trạch
Nhà Trưng bày là nơi lưu giữ những
hiện vật của các chiến sỹ đã từng sống, chiến đấu và hi sinh vì độc lập tự do
của dân tộc. Không gian Nhà trưng bày được chia làm 3 mảng chính liên hoàn với
nhau, giáp một vòng tròn gồm có: mô hình tái dựng lại công cuộc đào địa đạo
ngày trước và hệ thống hóa phần lớn các cột mốc cũng như những sự kiện quan trọng
về cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân dân Nhơn Trạch, tái hiện lịch sử hình
thành và những cuộc chống càn Mỹ - Ngụy của Tiểu đoàn anh hùng D240 và cuối
cùng là mô hình cùng tư liệu lịch sử về Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác. Đây là
nơi trưng bày các tư liệu lịch sử liên
quan đến quá trình chiến đấu chống Mỹ của Nhơn Trạch, lưu giữ hơn 300 hiện vật
khác nhau của các chiến sĩ đã từng sống, chiến đấu và hi sinh.
Tại
đây, du khách có thể cảm nhận được những khó khăn, gian khổ của các chiến sỹ đặc
công trong quá trình làm việc và chiến đấu tại chiến trường Rừng Sác. Cái tên
Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và cũng là nỗi
kinh hoàng của kẻ thù. Theo sử sách, Đoàn 10 Đặc công là sự hợp nhất của hai Tiểu
đội Công binh của miền Nam vào năm 1965 thành đoàn 125 lấy mật danh là 5001 do
đồng chí Nguyễn Khắc Bảo làm Đoàn trưởng, đồng chí Tư Hải làm chính trị viên với
nhiệm vụ đánh tàu địch trên sông và bến cảng. Năm 1966, đoàn 125 đổi thành đoàn
43 với sự tham gia của một số du kích địa phương do đồng chí Nguyễn Văn Mây làm
Đoàn trưởng, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đánh tàu địch trên sông. Nhiều trận
đánh quy mô lớn đã diễn ra như: trận đánh chìm tàu chở dầu 8.000 tấn bằng súng
DKZ 75 trên sông Lòng Tàu ngày 17/3/1966, đánh trọng thương 2 tàu thuộc Hải đội
tuần tiễu chi khu Quảng Xuyên tại Doi Lầu sông Soài Rạp. Đầu năm 1966, Mỹ thực
hiện “chiến tranh cục bộ”, quân viễn chinh Mỹ ồ ạt vào miền Nam Việt Nam ngày
càng nhiều. Sông Lòng Tàu trở thành đường thủy chiến lược vận chuyển vũ khí
quân sự, phương tiện chiến tranh của Mỹ vào chiến trường miền Nam. Trước tình
hình trên, ngày 15/4/1966, Bộ chỉ huy Miền quyết định thành lập Đặc khu Quân sự
Rừng Sác mang mật danh T10, sau đổi thành Đoàn 10 đặc công Rừng Sác, chỉ huy
trưởng kiêm chính ủy là đồng chí Lương Văn Nho (tức Hai Nhã).
Phục dựng
lại hình ảnh các chiến sỹ đặc công Rừng Sác
Để
chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968, Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác chính thức trở
thành Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác với tổng quân số là 800 người, chia thành
12 đại đội. Đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn làm Trung đoàn trưởng, đến năm 1969, đồng
chí Nguyễn Hoàng Sơn được rút về Miền, chức vụ Trung đoàn trưởng giao cho đồng
chí Lê Bá Ứơc. Trong suốt thời kỳ chống Mỹ (1969 – 1975), Sở chỉ huy của Trung
đoàn 10 Đặc công Rừng Sác được đặt dọc bờ sông Đồng Tranh (xã Phước An) và bờ
sông Thị Vải, các chiến sỹ của ta đã sống và làm việc trên các sạp gỗ làm bằng
cây đước được dựng trên sình lầy, sông nước của Rừng Sác.
Di vật
của các chiến sỹ đặc công
Môi
trường sống tuy thiếu thốn, vất vả nhưng trong 10 năm liên tiếp (1965 – 1975),
Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã đánh 595 trận lớn nhỏ vào các mục tiêu, kho
tàng, bến cảng làm tiêu hao sinh lực địch như: đánh vào kho bom thành Tuy Hạ;
kho xăng Nhà Bè; pháo kích Dinh Độc Lập; tòa đại sứ Hoa Kỳ - nơi sào huyệt của
bộ máy chiến tranh xâm lược; đánh cháy, đánh chìm hàng trăm tàu giặc trên sông
Lòng Tàu,…những chiến thắng đó đã làm nức lòng nhân dân Nam bộ và quân dân cả
nước.
Các
chiến sỹ chế tạo bom mìn trong điều kiện thiếu thốn
Với thế trận vững vàng: Lòng sông – Lòng đất – Lòng dân, Nhơn
Trạch – Rừng Sác đã trở thành nơi luyện quân, cung cấp khí giới, lương thực và
nuôi dưỡng tinh thần của lực lượng kháng chiến. Mảnh đất Nhơn Trạch cũng đã từng
ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của quân dân địa phương và các đơn vị chủ lực
đặc biệt là lực lượng Trung đoàn 10 Đặc Công Rừng Sác, bảo vệ vững chắc căn cứ
cách mạng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tư liệu về lịch sử Rừng Sác
NGHĨA TRANG LIỆT SỸ HUYỆN NHƠN TRẠCH
Khung cảnh yên bình của Nghĩa trang Liệt sỹ
Bên cạnh Khu nhà trưng
bày là Nghĩa trang Liệt sỹ Nhơn Trạch, khánh
thành vào ngày 25/4/2015, là nơi an nghỉ của gần 200 liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng,
đây cũng là nơi chôn cất Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Lê Bá Ứơc - Nguyên Đoàn trưởng kiêm Chính
ủy Đoàn 10 đặc công Rừng Sác, Chính ủy Sư đoàn 2 đặc công trong Chiến dịch Hồ
Chí Minh ở mặt trận phía Đông. Kiến
trúc công trình thể hiện sự tôn vinh, tưởng nhớ đối với các Anh hùng Liệt sĩ đã
hy sinh trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc. Công trình được xây dựng theo
nguyện vọng của các cán bộ lão thành cách mạng và nhân dân trong huyện, các
đồng chí đồng đội Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 cùng Đại đội C240. Với kinh phí xây dựng hơn
10 tỷ đồng, bia trên mỗi phần mộ đều làm từ đá hoa cương đen, khuôn viên rộng
rãi, trồng nhiều cây xanh và hồ sen hai bên đã tạo nên một khung cảnh yên bình,
thanh tịnh.
Phần mộ của các Liệt sỹ
Di vật của các chiến sỹ Tiểu
Đoàn 2, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 và Đại đội 240
ĐẶC KHU QUÂN SỰ
RỪNG SÁC
Để có cái nhìn toàn cảnh, du
khách có thể thuê ghe, xuồng để tham quan bằng đường thủy, khu vực này trước
đây là Căn cứ Sở chỉ huy Đặc khu Quân sự Rừng Sác và Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác.
Ngày 15/4/1966, Đặc khu Quân sự Rừng Sác chính thức được thành lập với mật danh
là T10, Căn cứ Sở chỉ huy được đặt ở Rạch Tràm, sau đó chuyển qua Tắc Cái
Ngang, sông Ba Gioi (nay là khu vực Rừng Giống, ấp Bà Bông, xã Phước An). Nhiệm
vụ của Đặc khu là xây dựng khu căn cứ thành bàn đạp vững chắc để khống chế sông
Lòng Tàu, đánh chìm tàu địch trên sông rạch nhỏ, tại cảng và tiến đến đánh kho
tàng lớn của địch. Mặt khác, kết hợp chặt chẽ với các tổ chức, công tác Đảng,
xây dựng cơ sở cách mạng, hỗ trợ phong trào cách mạng, đẩy mạnh chiến tranh du
kích, từ đó bảo vệ hành lang vận chuyển hàng chiến lược của ta theo đường mòn Hồ
Chí Minh trên biển vào Nam.
Bản đồ
Rừng Sác
Rừng Sác là tên gọi chung của một
khu vực rừng ngập mặn nguyên sinh rộng lớn gồm Rừng Sác Nhơn Trạch (nằm trên địa
phận tỉnh Đồng Nai) và Rừng Sác Cần Giờ (nằm trên địa phận thành phố Hồ Chí
Minh). Rừng Sác Nhơn Trạch cách trung tâm thành phố Biên Hòa và thành phố Hồ
Chí Minh khoảng 8km theo đường chim bay, đây là vùng rừng ngập mặn rộng lớn thuộc
địa phận huyện Nhơn Trạch nối liền một dãi với Rừng Sác Cần Giờ.
Rừng Sác có hệ sinh thái rừng
ngập mặn với điều kiện môi trường rất đặc biệt, trung gian giữa hệ sinh thái thủy
vực và hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn.
Nhận một lượng lớn phù sa từ sông Đồng Nai, cùng với ảnh hưởng của biển kế cận
và các đợt thủy triều nên thực vật nơi đây rất phong phú với trên 150 loài.
Trong đó, thực vật chủ yếu là đước, bần, mắm, chà là, dừa nước,..đặc biệt là quần
thể đước đan xen, dựa vào nhau tạo nên một cảnh quang thiên nhiên đặc trưng.
Bên cạnh đó, RS còn có hệ động vật phong phú, có loại xuất hiện theo mùa, có
loài sống quanh năm như: khỉ, sóc, cò quắm, sếu, diệc, vẹt, bìm bịp, hồng hộc,
le le,..và một số loài bò sát như: cá sấu, tắc kè, trăn, rắn, rùa,…
Rừng
Sác với hệ động thực vật đa dạng
Ngày
01/10/1966, tổ chức Đặc khu Rừng Sác chính thức hình thành, quân số đầu tiên là
614 người gồm: 3 cơ quan, 6 đơn vị cấp đại đội, 2 đội công binh nước đánh thủy
lội dây, 1 đội cối 82, 1 trung đội ĐKZ 75 ly, 1 đơn vị pháo cao xạ 12 ly 8, 1
đơn vị bộ binh, 1 đơn vị trinh sát và 1 đơn vị vận tải hàng chiến lược. Đặc khu
Trưởng kiêm Chính ủy là đồng chí Lương Văn Nho, các đơn vị trực thuộc Đặc khu gồm
4 đội chiến đấu, 2 đội vận chuyển hàng chiến lược và 3 cơ quan: tham mưu –
chính trị, hậu cần, trạm xá cùng xưởng quân giới; địa bàn hoạt động trải rộng
trên 10 xã chia làm 2 khu: Khu A (phía Đông sông Lòng Tàu) và Khu B (phía Tây
sông Lòng Tàu). Theo lời kể của Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Lê Bá Ứơc
thì khu vực Rừng Sác tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch là nơi đóng chân của căn
cứ Sở Chỉ huy Đặc khu quân sự Rừng Sác và Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác từ năm 1966
đến năm 1973.
Vũ khí
chiến đấu của chiến sỹ đặc công
Hình ảnh
Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác do quân đội Úc chụp
Trong
thời gian đầu xây dựng lực lượng, các đơn vị, cơ quan gặp vô vàn khó khăn do điều
kiện thiên nhiên khắc nghiệt, thiếu thốn mọi thứ, nhất là nước ngọt. Trong khi
đó, nhân dân lại bị địch theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, rất khó liên lạc để giải
quyết vấn đề hậu cần, nắm tình hình,…Tuy nhiên, nhờ chú trọng thực hiện công
tác chính trị cùng với tinh thần chịu đựng gian khổ của cán bộ, chiến sỹ và sự
giúp đỡ, che chở của nhân dân, Đặc khu đã vượt qua được thử thách, từng bước
trưởng thành và dày dạn trong chiến đấu.
Sông
nước mênh mông, địa hình phức tạp của
Rừng Sác là nơi thích hợp cho quân ta lập
căn cứ
Tuy địa hình, cảnh quan nơi đây vẫn giữ được tương đối nguyên vẹn
với hệ động thực vật phong phú nhưng do căn cứ chủ yếu làm bằng các vật liệu
thô sơ như: lá dừa nước, thân cây đước, ngoài ra cũng với mục đích đảm bảo bí mật
trong chiến tranh, sau khi chuyển sang địa điểm khác, hệ thống nhà làm việc,
các cơ sở binh công xưởng,…của Sở Chỉ huy Đặc khu Quân sự Rừng Sác và Đoàn 10 Đặc
công đều bị phá hủy hoàn toàn.
LÀNG
BÈ TẠI XÃ PHƯỚC AN
Bè nổi
trên sông là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách
Sau khi tham quan bằng ghe, du khách có thể dừng chân tại Làng Bè
Phước An để dùng cơm trưa, đây là địa điểm khá hấp dẫn
khách du lịch gần xa vì cung cách phục vụ khá độc đáo, đó là các quán ăn được
thiết kế nổi trên mặt nước ở giữa dòng sông, tạo cho du khách sự thích thú và cảm
giác mới lạ vì du khách vừa thưởng thức hải sản tươi sống vừa ngắm cảnh thiên
nhiên sông nước mênh mông. Các món ăn phục vụ chủ yếu như: tôm, cua, cá các loại,
hàu, sò huyết, ốc, bạch tuộc,... Ngoài ra, khách du lịch còn có thể mua hải sản
tươi sống mới đánh bắt về với giá khá rẻ, do chính người dân nơi đây chài lưới
đánh bắt ở các rạch của Rừng Sác và cửa sông Phước An, khu chợ nổi thường bắt đầu
từ lúc 2 giờ đến 5 giờ sáng.
Du
khách có thể mua hải sản tươi sống với giá khá rẻ tại Làng Bè
Hội
thi đua xuồng hằng năm cũng được tổ chức tại đây
NHÀ CỔ TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Những ngôi nhà cổ với tuổi thọ hàng trăm năm cùng với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể chính là niềm tự hào của vùng đất Nhơn Trạch nói riêng, trong lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai nói chung. Đó không chỉ là nơi che mưa che nắng, là nơi để con người trú ngụ và được bảo vệ, nhà cổ ở Nhơn Trạch – Đồng Nai còn là những công trình có giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, truyền thống của gia đình, dòng họ, của xứ sở vùng đất phương Nam hiền hòa, cởi mở.
Dù trải qua nhiều biến cố lịch sử, một số ngôi nhà cổ đã bị thay đổi kết cấu nhưng vẫn mang dấu ấn của kiến trúc độc đáo cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX của vùng đất phương Nam trù phú. Về tổng thể những ngôi nhà cổ vẫn bảo lưu được cấu trúc không gian, cảnh quan của những ngôi làng cổ truyền thống cùng vốn văn hóa phi vật thể phong phú, như: lối sống cộng đồng, quan hệ dòng họ, phong tục tín ngưỡng, nề nếp sinh hoạt...Đó chính là tiềm năng vô cùng quý giá trong việc phát huy các giá trị để khai thác và phát triển loại hình du lịch về nguồn, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái của địa phương.
Hiện tại, bản thân những ngôi nhà cổ tiêu biểu ở huyện Nhơn Trạch như: nhà cổ từ đường họ Đào, hàng năm vẫn thường xuyên thu hút các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Ngoài ra, nơi đây cũng thường xuyên được các đoàn làm phim tìm đến khi có bối cảnh quay về lịch sử, thời xa xưa, từ các đoàn làm phim của TP.HCM đến các tỉnh ở miền Tây. Trong đó, có một số bộ phim nổi tiếng đã từng quay cảnh ở đây như: Lục Vân Tiên, Ma Mười, Bình Tây Đại Nguyên Soái…
Dù được xây dựng theo kiểu thức kiến trúc nào thì những ngôi nhà cổ ở Nhơn Trạch đều được tạo nên bởi bàn tay và khối óc tài hoa của những nghệ nhân xưa. Nhà cổ ở Nhơn Trạch – Đồng Nai không bọc kín trong tường mái, mà thường mở hướng thông thoáng, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, nhà thoáng với vườn rộng, ngõ đẹp. Nhà được tạo bởi hệ thống các cột, kèo, xiên, đòn tay, rui, xà…nối với nhau bằng những mộng, chốt trong thế liên hoàn vô cùng vững chãi trước nắng, gió, mưa…Cùng với nghệ thuật trang trí bởi chạm, khắc gỗ tinh xảo: những đầu đao, vì kèo, khuôn bông, bao lam…đều được chạm khắc các hoa văn vừa có tính mỹ thuật, vừa mang đậm nét văn hóa Nam bộ. Những họa tiết dây leo, hoa lá, hồi văn, quyển thư, nho sóc, mai, chim chóc và những hình ảnh sản vật dân gian dân dã, gần gũi trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như: lựu, xoài, đu đủ, mướp, khế...với đường nét chạm, khắc vừa phóng khoáng, vừa sắc sảo, mềm mại mà sống động mang nét đặc trưng vùng miệt vườn Nam bộ. Đó cũng chính là những biểu trưng mang những ước mơ của chủ nhân những ngôi nhà về một cuộc sống thanh bình, no đủ, an nhàn, hạnh phúc, vui vẻ, trường thọ. Tất cả được thể hiện một các bình dị, hồn nhiên, sinh động, thực tế nhưng mang tính nghệ thuật cao.
Nhà cổ của ông Phan Văn Lẹo – xã Hiệp Phước
Dưới những mái nhà “tam đại đồng đường”, hoặc tứ đại đồng đường, ngũ đại đồng đường, các giá trị văn hóa, đạo đức, truyền thống đã được những thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau gìn giữ và phát huy bởi lòng tự hào, tự tôn gia tộc, dòng họ. Hệ thống những bức hoành phi, liễn đối không chỉ là để trang trí mà là sự đúc kết tinh thần, ý chí, truyền thống của ông bà để định hướng con cháu đời sau. Đó có thể được coi là những “Nghị quyết” của mỗi gia đình, không đề cao của cải vật chất, tất cả các dòng tộc chỉ mong thế hệ con cháu mai sau tiếp nối truyền thống cha ông, sống đạo đức, nhân từ, chăm lo học hành, làm việc chăm chỉ, hòa thuận với gia đình, thân tộc và làng xóm. Đấy chính là vẻ đẹp, những giá trị văn hóa vô giá của những ngôi nhà cổ ở Nhơn Trạch. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những nét đẹp văn hóa ấy vẫn âm thầm một sức sống riêng, mãnh liệt và bền bỉ với thời gian, phản ánh nét văn hóa đặc sắc của một vùng đất hưng thịnh xứ Đồng Nai xưa.
Du khách tham quan Nhà cổ họ Đào - xã Phú Hội
Bên cạnh những lợi ích về mặt kinh tế, xã hội, loại hình du lịch này còn nhằm mục đích giáo dục lòng yêu nước, tự hào về truyền thống của thế hệ trước. Ngoài ra, khách du lịch – những người quan tâm đến loại hình kiến trúc cổ cũng có thể nghiên cứu nét đẹp trong kiến trúc nghệ thuật di tích Đình Phú Mỹ, nhà cổ…Những ngôi nhà cổ với những nét kiến trúc độc đáo, tiêu biểu sẽ là địa điểm, không gian văn hóa thu hút sự quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm của du khách nói chung và của những đối tượng là học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu nói riêng. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.
Đình
cổ thiêng Phước Thiền
Cứ vào dịp cận kề Tết Nguyên đán, ngoài việc
hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất cho bà con địa phương, huyện Nhơn Trạch (Đồng
Nai) còn chú trọng đến những lễ hội truyền thống, chăm lo đời sống tinh thần
cho người dân nhằm động viên tinh thần bà con sau một năm lao động vất vả mệt
nhọc. Một trong những nét đẹp văn hóa xứ này là lễ cúng đình Phước Thiền - ngôi
đình cổ thiêng ngót nghét 200 năm tuổi…
Đình Phước Thiền (trước đây có tên là đình ông
Cọp) được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào cuối
năm 2009. Đình nằm cạnh tuyến đường ĐT 769, cách thành phố Biên Hòa (Đồng Nai)
35km về phía Nam, cách TP HCM 40 km về phía Đông. Xưa, đình này thuộc ấp Bến
Chùa, sau đó dời qua ấp Trầu ở thôn Phước Thiền, tổng Thành Tuy (nay thuộc xã
Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch). Đây là di tích lịch sử có tuổi đời hàng trăm
năm và mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Nhơn
Trạch. Ngày nay, đình ngày càng được người dân tứ xứ biết đến, là điểm tham
quan tâm linh cho du khách thập phương.
Theo người dân địa phương, đình Phước Thiền là
nơi thờ tự Thần thành hoàng Bổn Cảnh, vị thần bảo hộ cho cộng đồng dân cư ở
thôn làng. “Ngài là đấng tối cao, ngự trị tại đình làng, chứng kiến đời sống
sinh hoạt của toàn dân trong làng, bảo vệ mọi người, phù hộ cho dân làng được
an khang, thịnh vượng. Ngài đại diện cho Ngọc Hoàng xem xét tội trạng của người
dân. Hàng năm đến 25 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) ngài trở về trời để tấu
trình mọi chuyện. Những người hiền lương sẽ được ngài phù hộ còn những kẻ độc
ác, hung dữ sẽ bị ngài trừng phạt” - một bô lão chia sẻ.
Đình còn là nơi thờ Tả ban, Hữu ban, Bạch mã
thái giám (những bộ hạ của thần Thành Hoàng), thờ Tiền hiền, Hậu hiền (là những
người có công trong cuộc khai hoang, xây dựng bảo vệ làng xã). Ngoài ra, các vị
như Tiên sư (người tạo nghề cho dân làng), Ngũ hành nương nương, Thổ công, Thần
nông, chúa Ngung và các vị anh hùng liệt sĩ,… cũng được thờ tự tại đây.
Theo Gia Định thành thông chí năm 1808 thì
cùng với việc hình thành thành Gia Định, các làng như Phú Hội, Phước Thiền,
Phước An cũng hình thành. Sau đó, dưới triều Nguyễn việc hình thành các làng
mới này yêu cầu phải có các cơ sở công ích, tâm linh, như chợ, cầu, đường,
đình, chùa, miếu,… để đảm bảo cuộc sống của người dân. Và từ đó đình Phước
Thiền cũng được đoán định đã khởi dựng từ đầu thế kỷ XIX.
Các bô lão trong làng kể lại, đình Phước Thiền
xưa kia được xây ở ấp Bến Chùa chỉ là môi ngôi miếu nhỏ do dân làng khởi dựng
với kiến trúc chủ yếu từ cột tre, vách đất, mái lá.
Nhưng đến khoảng giữa thế kỷ XIX, các bô lão,
hương chức trong làng họp bàn rằng Bến Chùa là vùng đất trầm thủy thuộc âm
không tốt cho việc thờ thần nên quyết định dời ngôi miếu về xây dựng trên khu
đất công của làng có diện tích khoảng 3ha thuộc ấp Trầu rồi đổi tên thành đình
Phước Thiền, tồn tại đến nay.
Đình có bố cục mặt bằng dạng chữ Công, gồm ba
hạng mục Tiền đình, Chánh điện và Hậu đình nối tiếp nhau. Mái đình thấp, lợp
ngói âm dương. Bờ nóc Tiền đình trang trí tượng “lưỡng long chầu nhật” còn
chánh điện đình theo lối “trở đòn dông dọc”.
Nhìn tổng quan, đình có một không gian gần gũi,
cởi mở với dân làng như bao ngôi đình khác ở Nam bộ. Tuy nhiên, chánh điện vẫn
giữ một góc riêng, kín đáo và trang nghiêm, thờ Thần Thành hoàng. Đây là lối
bài trí mang phong cách của những ngôi đình vùng đồng bằng Bắc bộ và Trung
bộ.
Khuôn viên Đình Phước Thiền
Sự giao thoa văn hóa tín ngưỡng dân gian giữa
ba miền Bắc - Trung - Nam trong thiết kế bài trí ở Chánh điện đình Phước Thiền
đã tạo nên sự phong phú, đa dạng, là đề tài nghiên cứu cho các nhà văn hóa dân
gian ở địa phương, đồng thời khẳng định những chủ nhân xây dựng lên ngôi đình
có nguồn gốc từ miền Trung di dân vào Phước Thiền sinh sống, lập nghiệp.
Điểm nổi bật trong kiến trúc của đình là hệ
thống các mảng chạm khắc tinh xảo, trang trí hoa văn phong phú, kết cấu bộ
khung vì kèo gỗ đảm bảo sự chắc chắn, kỹ thuật lắp ráp, ghép mộng chốt đạt đến
trình độ cao.
Một điều đặc biệt là tại lần trùng tu gần đây
vào năm 1990, Ban Quý tế đình, lãnh đạo, nhân dân huyện Nhơn Trạch đã xây dựng
Đài Liệt sĩ và đến năm 2002 thì xây dựng Nhà bia trong khuôn viên đình để tưởng
niệm những anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp và chống Mỹ.
“Hàng năm để tưởng nhớ về các vị thần, về
những người đi trước, gần cuối năm Ban Quý tế, lãnh đạo huyện Nhơn Trạch và
người dân địa phương đều tổ chức lễ kỳ yên (lễ cầu an) tại đình với các nghi
thức cúng cổ truyền của đình làng Nam Bộ.
Đông đảo người dân địa phương và bạn bè tứ xứ
đến tham dự để dâng hương, tế lễ tạ ơn Thành hoàng. Lễ kỳ yên gồm phần lễ và
hộ. Phần lễ sẽ dâng hương tạ ơn thần Thành hoàng, các vị thần khác, các anh
hùng liệt sỹ,… Sau đó đến phần hội, người dân sẽ được hòa mình vào các hoạt
động vui chơi giải trí như múa lân sư rồng, phát lộc cầu may…
Ông Nguyễn Văn Quang – Trưởng ban tổ chức Lễ
cúng đình cho biết “Tất cả mọi người đều mong muốn có một lễ cúng chu
toàn nên mọi thứ phải chuẩn bị từ trước đó 1 tháng. Có 3 ấp thuộc xã Phước
Thiền (gồm ấp Trầu, ấp Bến Sắn và ấp Bến Cam) sẽ luân phiên nhau đứng ra tổ
chức lễ cúng đình.
Nhiều năm trước lễ cúng đình do dân và Ban Quý
lễ thực hiện là chủ yếu nhưng những năm gần đây, lễ được sự hỗ trợ tích cực từ
phía chính quyền địa phương như bố trí đoàn viên thanh niên túc trực phát nhang
cho người dân; lực lượng dân quân bảo đảm an ninh trật tự; hội viên các đoàn
thể giúp dọn dẹp vệ sinh và nấu ăn nên các khâu chuẩn bị chu đáo.
Bên cạnh đó, Ban tế tự đình cũng sẽ đóng góp,
ủng hộ cho hội người mù, quỹ vì người nghèo và công tác xã hội của địa phương
từ tiền cúng lễ của người dân mỗi năm. Rất nhiều người dân đến dâng lễ vật,
dâng hương tạo nên một bức tranh sinh động, đầy màu sắc, một nét đẹp khó phai
trong lòng người dân địa phương và du khách”.
Khi nói đến nét đẹp văn hóa này ông Lê Thành
Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho biết: “Nghi lễ cúng đình Phước Thiền sẽ
được thực hiện thường niên, lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác và huyện
sẽ chung tay cùng nhân dân giữ gìn, phát triển giá trị văn hóa tốt đẹp này.
Ngoài giữ gìn những nét đẹp văn hóa ra thì mỗi
dịp Tết đến Xuân về chúng tôi cũng chú trọng đến đời sống của người dân bằng
việc thăm hỏi động viên tinh thần những gia đình có công với cách mạng, gia
đình có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện nhiều hoạt động vui tết đón xuân cho bà
con,…”.
Một cái Tết nữa đang về, ngoài đời sống vật
chất ấm no, người dân Nhơn Trạch lại đắm mình trong không gian văn hóa của
mình. Đời sống tinh thần, tâm linh được chú trọng cũng là một nét đẹp trong ứng
xử và giữ gìn bản sắc của nhân dân và chính quyền nơi đây.