Hàng năm, cứ vào ngày 15 và 16/11 âm lịch, Ban Tế tự đình Phước Thiền và nhân dân địa phương đều tổ chức lễ cúng Kỳ yên (còn gọi là Lễ cúng đình) thu hút hàng ngàn lượt người từ các nơi đến tham dự và dâng hương, tế lễ, tạ ơn Thần Thành Hoàng. Đình Phước Thiền thuộc địa bàn xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) hay còn gọi là đình Ông Cọp, được khởi dựng cùng với thời gian thành lập làng Phước Thiền vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
Trước kia, lễ hội Kỳ yên tại đình được tiến hành với đầy đủ các lễ như lễ Dựng nêu, lễ Thượng kỳ; lễ Rước sắc, lễ Khán sắc, lễ Thỉnh sanh, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Đàn cả; lễ Hồi sắc và lễ Hạ nêu. Những nghi thức lễ Thần là kết quả sáng tạo của cộng đồng cư dân địa phương trong quá trình khai phá, mở mang bờ cõi. Đặc biệt, đình còn lưu giữ những yếu tố có giá trị lịch sử và văn hóa cao như lễ Thỉnh sanh và Túc yết. Theo đó, Lễ Thỉnh sanh phải diễn ra trước lễ Túc Yết, với mục đích lấy con vật tế của lễ Thỉnh sanh làm lễ vật cho lễ Túc Yết sau đó. Vật tế là một con heo còn sống, toàn sắc, bị cột bốn chân. Sau khi bị thọc tiết, chánh tế dùng chén sạch hứng máu cùng một nhúm lông của con vật này, đặt lên bàn hương án cùng con dao dùng để mổ heo. Chén huyết có ít lông này gọi chung là "mao huyết". Sau khi lễ Tĩnh sanh kết thúc, con heo được luộc chín và chia ra nhiều phần mang trở lại đình để làm lễ Túc yết. Phần Lễ Túc Yết, tức là lễ hương chức ra ra mắt thần. Đến giờ hành lễ, các thành viên của Ban tế tự mặc áo thụng xanh, khăn đóng, mang giày đứng sếp hàng hai bên cùng với ban nhạc lễ, các học trò lễ trong tư thế sẵn sàng. Rồi một học trò lễ bắt đầu xướng các nghi thức và các hương chức được phân công tuần tự thực hiện những nghi thức như sau: Củ sát tế phẩm (kiểm lại đồ cúng); Tuần hương (dâng hương);Tuần rượu thứ nhất (dâng rượu lần nhất); Đọc văn tế bằng chữ Hán; Tuần rượu thứ hai (dâng rượu lần hai); Tuần rượu thứ ba (dâng rượu lần ba);…
Nội dung phần văn tế được ông Bùi Văn Sua – Chánh tế Lễ cúng kỳ yên tại đình Phước Thiền cho biết: “ …văn tế đề cập đến ngày tháng tổ chức lễ cúng đình, xin phép thực hiện các nghi thức lễ, giới thiệu các vị chánh tế, bồi tế phụ trách cúng năm nay và cầu xin các chư thần về chứng giám lễ cúng tại đình Phước Thiền, phù hộ cho xã Phước Thiền trong năm tới được “quốc thái dân an – mưa thuận gió hòa – cuộc sống sung túc, no đủ”. Ông cũng cho biết thêm về phần Lễ, đó là: “Thành phần tham gia nghi thức lễ gồm có 2 chủ xướng, 12 học trò lễ và 8 quân sỹ.Trước khi thực hiện nghi thức lễ, người cả lễ sẽ đánh 3 hồi chiêng, 03 bô lão mỗi người sẽ đánh 3 hồi mõ, 3 hồi đại hồng chung và 3 hồi trống. Nghi thức này với mục đích xin phép thần Thành Hoàng và thông báo cho toàn thể người dân trong làng, xã biết phần lễ sắp diễn ra tại đình”.
Lễ cúng đình thu hút đông đảo nhân dân tham gia
Vào mùa lễ hội Kỳ yên, nhân dân trong xã Phước Thiền tề tựu về đình, với lòng thành kính dâng lên Thần Thành hoàng và các vị thần khác đầy đủ các lễ vật như: trà, rượu, xôi, thịt, hoa, trái cây, tất cả gồm có 27 phần. Chịu trách nhiệm cúng sẽ là Chánh tế và các vị Bồi tế, hỗ trợ cúng sẽ là các vị kỳ lão và Ban tế tự. Sau phần lễ, chính là phần hội, lúc này các hoạt động vui chơi giải trí được tổ chức vô cùng náo nhiệt như: múa lân sư rồng, phát lộc cầu may,…Là người dân đang sinh sống tại xã Phước Thiền, ông Đặng Văn Chuyện (57 tuổi, ấp Bến Cam) phấn khởi nói: “Lễ cúng đình năm nào tôi cũng đến thắp nhang và cầu xin thần Hoàng phù hộ cho gia đình được khỏe mạnh, mua may bán đắc,con cháu thuận hòa, quốc thái dân an,…”
Người dân cầu xin sức khỏe, bình an và sự sung túc trong năm tới
Ngoài thần Thành Hoàng, đình còn thờ Tả ban, Hữu ban, Bạch mã Thái giám,Tiền hiền, Hậu hiền, Tiên sư, Ngũ hành nương nương, Thổ công, Thần nông, chúa rừng và các anh hùng liệt sỹ của xã Phước Thiền trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ban đầu, đình có quy mô nhỏ, kiến trúc đơn giản, kết cấu là cột tre, vách đất, mái lá. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, trong đó lần trùng tu lớn nhất vào khoảng giữa thế kỷ XIX đã mang lại cho ngôi đình diện mạo như ngày nay. Ngày 07/12/2009, đình Phước Thiền đã được UBND tỉnh Đồng Nai công nhận là Di tích Lịch sử - Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh.
Thần Thành hoàng Bổn cảnh là vị thần bảo hộ cho cộng đồng dân cư trong thôn làng, việc thờ phụng Thần Thành hoàng tại đình còn có ý nghĩa khẳng định sự trường tồn của làng xã, thôn ấp. Đình Phước Thiền và các nghi lễ cúng đang được lưu truyền nối tiếp nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác đã và đang góp phần bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống vốn có của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Đồng thời, góp phần thể hiện tự do tín ngưỡng, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.