Tuy đã hơn 80 tuổi, nhưng ông Bạch Thanh
Hùng- ấp Bà Trường, xã Phước An được xem là người tiên phong ở huyện Nhơn Trạch
làm ra các sản phẩm đan lát không phải từ tre nưa mà là thân cây lá giang. Đây
là cây thuộc loài dây leo,
khi sử dụng đan lát thì các sản phẩm làm ra có sức bền cũng như dẻo dai được
người trong vùng và các địa phương khác ưu chuộng.
Ông Bạch Thanh Hùng đan bình hoa
từ thân cây lá Giang
Ông Hùng
kể lại, ông biết đan các đồ vật dụng gia đình bằng cây Lá Giang từ khi mới 12
tuổi. Ngày ấy, tự ông tìm tòi học cách đan. Trước kia, đời sống người dân Phước An nơi đây chủ yếu dựa vào rừng,
cũng chính vì thế mà chiếc rổ, sọt đã
trở thành vật dụng quan trọng trong mỗi gia đình. Mỗi tuần khoảng
1 đến 2 lần ông Hùng vào rừng cách nhà khoảng 6km chặt các thân cây lá giang, cây được làm sạch
thân , cho vào ngâm khoảng 15 ngày thì vớt lên, làm sạch vỏ, để ráo nước là có
thể đan. Thông thường, một sản phẩm đan
lát sẽ mất từ 1 đến 3 giờ để hoàn thành, sản phẩm làm xong có thể sử dụng ngay
hoặc đem đi nhuộm để có màu sắc đẹp. Ông Bạch Thanh Hùng cho biết: “Xưa tới giờ, cây giang này làm rế hay bất cứ
sản phẩm nào cũng tốt. Tốt hơn tre, trúc tại vì nó không có mọt ăn. Mình giữ đừng
cho nước thấm, nước thấm vào dễ cây bị đen, làm ra các sản phẩm sẽ không đẹp”. Cũng
theo ông Hùng, nếu so với sản phẩm từ tre, nứa thường có độ bền khoảng vài năm, thì những đồ làm từ cây lá giang rất bền. Mỗi sản phẩm nhỏ hay lớn mà ông Hùng bán dao động từ khoảng
20.000- 250.00 nghìn đồng. Nhiều người biết đến và chuộng đồ thủ công, nên ông
Hùng làm đến đâu bán hết đến đấy.
Bà Nguyễn Thị Đơn – người dân ấp Bà Trường,
xã Phước An cho biết:“Lần nào chú ra sản
phẩm mới mình cũng tới mua ủng hộ hết, sản phẩm này làm đẹp, bền mà giá thành lại
rẻ”. Bà Phạm Thị Nhịn - Chủ tịch người cao tuổi xã Phước An chia sẻ:“Sản phẩm thủ công mỹ nghệ quảng bá cho địa
phương để mọi người biết một sản phẩm làm bằng tay mà sử dụng 10 đến 20 năm.
Mong rằng thời gian tới sản phẩm của anh Hùng được mọi người ủng hộ”.
Nghề đan lát truyền thống tuy không phải
nghề đem lại thu nhập cao, trung bình mỗi tháng chỉ có thể thu về 3 - 4 triệu đồng.
Thế nhưng đây lại là một nghề có giá trị
văn hóa, giúp lưu giữ nét đẹp truyền thống, nhất là khi công nghệ hiện đại khiến
đồ nhựa phát triền như vũ bão. Nghề đan lát thủ công vì vậy cần được đầu tư, bảo
tồn, tránh nguy cơ mai một.
Thu Hiền - Huỳnh Phúc