Cựu Chiến binh Nguyễn Minh Tân, ngụ ấp Bến Sắn, xã Phước Thiền, năm nay ông đã 86 tuổi dù ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần của ông vẫn còn rất minh mẫn, từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng thay vì cầm súng để chiến đấu thì ông đã cầm bút để sáng tác nên những khúc ca cỗ vũ, dùng lời ca tiếng hát động viên, khích lệ tinh thần các chiến sỹ nơi chiến trường.
Có bút danh là Vĩnh Tân, ngày nay ông không những làm tròn vai trò của người cựu chiến binh trong thời bình và còn đóng góp, làm đẹp cho đời với nhiều ca khúc, bài thơ về quê hương, đất nước. Dù sáng tác ở thể loại nào, những tác phẩm của ông cũng đều phục vụ nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó. Ông kể, năm 1960, tức lúc đó ông 22 tuổi, khi vợ ông vừa sinh đứa con đầu lòng, đứa bé chưa tròn 5 tháng tuổi cũng là lúc ông lên đường tham gia cách mạng. Nhờ có năng khiếu về văn hóa nghệ thuật, nhất là ca hát, chơi đàn nên đến năm1962 ông được kết nạp vào Đoàn dân công TP.Biên Hoà biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Tài năng sáng tác của ông được thăng hoa khi ông được tạo điều kiện theo học chuyên ngành văn học nghệ thuật. Sau đó ông được chuyển vào Đoàn dân công khu uỷ miền Đông rồi chuyển qua phụ trách tại Cục chính trị Quân khu 7 giữ chức vụ Đoàn phó Đoàn dân công kiêm Bí thư lúc ông chỉ vừa ở ngưỡng tuổi 32. Ròng rã sau 16 năm tham gia phục vụ cách mạng, may mắn sống sót khi đất nước hòa bình thì cũng là lúc ông được trở về quê hương, mừng vui vì được đoàn tụ với gia đình sau 16 năm xa cách.
Cựu Chiến binh Nguyễn Minh Tân đã sáng tác hơn 60 bài thơ và ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, Quân đội Nhân dân
Ông nhớ lại: “thời điểm chiến tranh ác liệt, quân đội Mỹ rải bom vô cùng dữ dội, tôi cùng 02 đồng đội tránh bom dưới hầm thì bị sập hầm, may mắn không có ai hi sinh, vì là thủ trưởng nên tôi quyết định dùng cây đội nắp hầm để 02 đồng thoát ra ngoài, còn bản thân mình tìm cách để thoát ra sau. Hoà bình lập lại, tôi về Nhơn Trạch để sinh sống nhưng vẫn gắn bó với Đoàn dân công vừa làm nông, trồng lúa để có thêm thu nhập nuôi sống gia đình”.
Bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, ông có 6 người con nhưng 2 người con thứ ba và thứ tư không may bị nhiễm chất độc da cam, bản thân ông sức khỏe cũng giảm sút nhiều. Không đầu hàng số phận, ông vẫn tiếp tục sáng tác, mang lời ca tiếng hát phục vụ cho Nhân dân. Ông tâm sự, sau khi đất nước giải phóng được 10 năm, ông tham gia một cuộc thi sáng tác ca khúc về Đồng Nai và được trao giải Ba với tác phẩm “Đồng Nai quê hương tôi”, phần lời và nhạc đều do ông tự viết. Là người con sống và chiến đấu trên mảnh đất quê hương nên bài hát này được ông sáng tác chỉ trong một đêm bởi có quá nhiều cảm xúc. Lời bài hát chứa những câu từ ca ngợi con người và vùng đất Đồng Nai anh hùng.
“Sông Đồng Nai nước trong lại mát
Lúa Đồng Nai bát ngát ngập trĩu bông
Nước Phù sa ôm chặt đất ven sông
…
Sông Đồng Nai đã đi vào lịch sử
Tàu giặc Mỹ năm xưa bỏ xác ở nơi này
Chiến công vang dội trên đất quê ta
Đồng Nai ơi, Đồng Nai anh hùng”
Hay như bài “Tình ta như trăng rằm” được ông viết nhạc và lời vào năm 1965 với mục đích tặng cho người vợ của mình, đó là khoảng thời gian ông phải tạm gác lại việc nhà để chu toàn việc nước, xa vợ, xa con nên ông đã mượn lời ca tiếng hát để xoa dịu nỗi nhớ mong.
“Tình yêu của chúng mình gắn liền với núi sông
Tình yêu đôi lứa mình dựng xây cuộc đời mới
Vui duyên mới đẹp đôi nên nhớ lời tổ quốc
Non sông ôi đẹp sao trăm hoa nở hé chào
…
Tim em nằm chung gối cùng anh ra biên giới giữ yên đất trời
Ngày mai anh về đây rồi
Tình ta luôn nồng thắm mãi mãi như trăng rằm”
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe bài hát “Tình ca Nhơn Trạch” nhưng không nhiều người biết đây là bài hát do nhạc sỹ Nguyễn Minh Tân sáng tác, dưới bút danh Vĩnh Tân, ông đã mang lại cho quê hương Nhơn Trạch một khúc ca bất hũ, với những câu hát dạt dào tình cảm: “Ai về Đồng Nai nhớ thăm thành phố mới, mảnh đất thân yêu quê hương Nhơn Trạch anh hùng. Chiến công lẫy lừng rạng danh chiến sỹ Rừng Sác, Lòng Tàu năm xưa lịch sử vẫn còn ghi, nay có tượng đài đền thờ chiến sỹ hy sinh. Anh nắm tay em đi trên thành phố mới, thành phố anh hùng rực sáng tương lai. Về đến Phước An, Long Thọ anh hùng, Phú Hội kiên cường, Long Tân, Phú Đông, ngọt hóa quê em là gạo thơm Phước Khánh, đắp đê ngăn mặn là Phú Hữu phải không em? Anh nắm tay em tham quan đồng lúa mới, đồng lúa Phước Thiền hạt giống nặng trĩu bông. Về đến Phước An khu công nghiệp đây rồi. Mấy xã Anh hùng rộn vui tiếng ca. Nhà máy reo vang là quê hương ta đó, góp công xây dựng thành phố trẻ phải không em ?”
Từ lúc bắt đầu bén duyên với âm nhạc đến nay, ông đã làm đẹp cho đời hơn 60 ca khúc, tác phẩm âm nhạc, với chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương, sự phát triển của huyện nhà, như ca khúc: Bài ca nông thôn mới, Cầu Đồng môn (cây cầu nối đôi bờ sông và dẫn lên Cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây), Phước Thiền quê tôi, Những giọt hồng (ca ngợi phong trào hiến máu tình nguyện), Tiểu đoàn 800 miền Đông anh hùng,…Địa điểm để ông có nguồn cảm hứng sáng tác không cố định, có khi chỉ cần đang đi trên đường, thấy những cảnh vật nên thơ như cánh đồng lúa, một cây cầu mới xây xong là ông đã viết được một bài thơ, ông sáng tác từ những điều bình dị nhất nhưng lại tạo nên một tác phẩm đặc sắc, lời ca tiếng hát như chạm đến trái tim người nghe.
Chẳng hạn như bài “Phước Thiền quê tôi” được ông lấy cảm hứng từ sự thay đổi từ một xã nông nghiệp trồng lúa nước nay đã chuyển mình với nhiều khu công nghiệp, nhà cửa khang trang, đời sống người dân ngày càng sung túc, an vui, được ông ví von qua những câu hát:
“Dòng sông quê tôi chuyển động suốt đêm ngày
Chở nước đầu nguồn lên đến những phù sa,
Nuôi cây lúa mới để quê tôi làm giống,
Trên khắp quê mình đồng lúa mới mênh mông.
Đồn giặc năm xưa nay trở thành những mái trường,
Học sinh đến trường nhà ngói mới đỏ tươi.
Em thơ khôn lớn dựng xây đất nước,
Quê tôi Phước Thiền tình lắm người ơi.
Nhà máy reo vang công nhân tấp nập.
Khi đêm đến rồi đèn sáng như sao.
Đường rộng mênh mang, xe đi xe đến.
Đưa nhiều chuyến hàng đi khắp muôn nơi.
Phước Thiền quê tôi như thế đó bạn ơi.
Chúng tôi xin mời khách quý đến tham quan.
Một bên đồng lúa mới, một bên nhà máy.
Phước Thiền quê tôi xem có tình không?”
Ông tâm sự: “Khi thấy những bài thơ hay, nhiều cảm xúc tôi mới bắt đầu viết nhạc, có khi tự viết cả lời cũng có khi phổ nhạc từ những bài thơ mà tôi thấy tâm đắc”.
Bên cạnh sự nghiệp thơ ca, biết ông từng gia nhập Đoàn dân công Quân khu 7 nên Hội CCB xã đã chủ động mời ông tham gia Ban chấp hành Hội Cựu Chiến binh xã, từ kinh nghiệm được tích luỹ, ông đã đóng góp những ý kiến giúp Hội CCB xã nâng cao chất lượng hoạt động, có nhiều phương thức tập hợp hội viên. Ông Tân cho rằng: “trách nhiệm của người đảng viên và người hội viên của hội, khi có bất kỳ công việc nào tôi đều tham gia đầy đủ, còn sức khoẻ thì tôi còn sáng tác và đóng góp bằng tinh thần, động viên các anh em bằng những lời ca tiếng hát của mình”.
Anh Nguyễn Tấn Dương – Chủ tịch Hội CCB xã Phước Thiền cho biết: “Đối với những hội viên trẻ, ông giống như “cây đa cây đề” để những hội viên học tập, ông luôn nhắn nhủ trong bất kỳ công việc nào, phải luôn phát huy được tinh thần của người “Bộ đội Cụ Hồ”, hiểu được vai trò, trách nhiệm của một người hội viên, phải làm sao để “Dân mến, Dân thương”, làm tròn nhiệm vụ của người CCB”.
Từ sự cống hiến và sống hết mình với nghệ thuật âm nhạc, thơ ca, năm 1965 ông đã vô cùng vinh dự khi được Thủ tướng Chính phủ trao Huân chương Chiến sỹ Hạng Ba. Sau khi hoà bình lập lại, ông tiếp tục “làm đẹp” cho đời bằng những ca từ ý nghĩa, góp sức xây dựng quê hương Nhơn Trạch ngày một giàu đẹp, nghĩa tình.