Thời gian qua, các hội đoàn thể trên địa bàn huyện Nhơn Trạch đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện tốt việc ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người thụ hưởng, giúp nhiều hộ nghèo có vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Lãnh đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện báo cáo kết quả phối hợp với các hội, đoàn thể trên địa bàn tại cuộc họp giao ban
Tính đến ngày 30/11/2024, các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với Phòng giao dịch triển khai các chương trình tín dụng chính sách với dư nợ ủy thác đạt hơn 469,7 tỷ đồng, chiếm 99,97%/tổng dư nợ. Trong đó, Hội Nông dân cho vay 1.949 hộ với dư nợ gần 73,5 tỷ đồng; hội Phụ nữ cho vay 2.023 hộ vay với hơn 20,1 tỷ đồng; hội Cựu chiến binh cho 480 hộ vay với hơn 18,5 tỷ đồng và đoàn Thanh niên cho 323 hộ vay với gần 12,3 tỷ đồng. Hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được duy trì ổn định, triển khai thực hiện tốt thông qua 12 Điểm giao dịch xã và giao dịch tại trung tâm, với 225 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Để nâng cao chất lượng nguồn vốn vay, đảm bảo đúng đối tượng và mục đích cho vay, các tổ chức chính trị - xã hội huyện đã thực hiện kiểm tra 43 lượt các xã/thị trấn, 225/225 tổ, đạt 100% kế hoạch, trong đó Hội nông dân kiểm tra 12 xã/thị trấn và 86 tổ, đạt 100% kế hoạch; Hội Liên hiệp phụ nữ kiểm tra 12 xã/thị trấn và 93/93 tổ, đạt 100% kế hoạch; Hội Cựu chiến binh kiểm tra 10 xã/thị trấn và 26 tổ, đạt 100% kế hoạch; Đoàn thanh niên kiểm tra 9 xã/thị trấn và 20 tổ, đạt 100% kế hoạch.
Bà Hồ Thị Kim Ngân - Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: "Trong những năm qua, NHCSXH đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc cho phụ nữ nghèo vươn lên đó là vốn vay tạo việc làm và phát triển kinh tế, nhiều chị em phụ nữ nghèo được tiếp cận nguồn vốn chính sách đã vượt nghèo bền vững, phát triển kinh tế gia đình và đóng góp vào thành quả phát triển chung của kinh tế địa phương".
Bên cạnh việc kiểm tra nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, 4 tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác còn tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, qua đó giúp hội viên nắm bắt kiến thức và áp dụng có hiệu quả vào trồng trọt, chăn nuôi... khích lệ hội viên mạnh dạn đầu tư, tích cực lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Có thể thấy rằng, sự tích cực, chủ động trong thực hiện công tác nhận ủy thác vốn vay với Ngân hàng chính sách xã hội của các hội đoàn thể đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Đồng thời, hỗ trợ các hội viên, đoàn viên, thanh niên xây dựng các mô hình kinh tế để lập thân, lập nghiệp, vươn lên làm giàu, đóng góp vào sự phát triển chung của huyện, góp phần thực hiện đạt các chỉ tiêu về giảm nghèo và xây dựng Nông thôn mới nâng cao.