Trong hành trình chăm lo an sinh xã hội và sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Nhơn Trạch đã và đang khẳng định vai trò tích cực thông qua nhiều mô hình ý nghĩa, trong đó nổi bật là mô hình “Bếp ăn từ thiện” được phát động và duy trì hiệu quả tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện, đây cũng là một trong những mô hình Dân vận khéo tiêu biểu tại huyện Nhơn Trạch.
Mô hình “Bếp ăn từ thiện” được Hội LHPN huyện Nhơn Trạch triển khai từ năm 2023 và nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên phụ nữ các chi, tổ Hội và được cụ thể hoá với các tên gọi như “Bếp ăn không đồng”, “Suất ăn không đồng”. Trong đó có những địa phương duy trì thực hiện thường xuyên như: xã Phước Khánh, Phú Thạnh, Long Tân, Phước Thiền, Phú Hội.. mỗi đợt nấu từ 200 – 500 suất ăn, trung bình mỗi năm các địa phương phục vụ miễn phí trên 10.400 suất ăn cho những hoàn cảnh khó khăn và người lao động. Thời gian đầu mới triển khai, các chị cũng gặp không ít khó khăn như tìm vị trí địa điểm để nấu các suất ăn, kinh phí kêu gọi nhưng với tinh thần “tương thân tương ái” cho đến hôm nay các “Bếp ăn từ thiện” đều được tổ chức bài bản, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội LHPN cơ sở, các đoàn thể, nhà hảo tâm và chính quyền địa phương. Hội phụ nữ giữ vai trò nòng cốt trong việc vận động, tổ chức, điều phối lực lượng và chuẩn bị nguyên liệu, suất ăn. Tùy theo điều kiện của từng địa phương, các bếp hoạt động với tần suất khác nhau, có nơi tổ chức 2 lần/tháng hoặc 1 lần/tháng, tập trung tại các khu vực dân cư đông người lao động.

Nhiều người lao động nghèo đến nhận các suất ăn miễn phí được hội viên phụ nữ xã Long Tân phát vào ngày mùng 1 hằng tháng
Đơn cử như tại xã Long Tân, Hội LHPN xã đều đặn sẽ phát từ 250 – 300 suất bún chay vào ngày mùng 1 âm lịch đầu tháng, riêng ngày rằm tháng 7 âm lịch, Bếp phát khoảng 500 suất bún, khu vực được các chị chọn phát suất ăn là tại Trụ sở UBND xã Long Tân, gần đường chính nên người dân rất đông, chủ yếu là phát cho công nhân, người lao động. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Chủ tịch Hội LHPN xã Long Tân chia sẻ: “Mỗi buổi nấu ăn, các chị em hội viên chuẩn bị trước đó 01 ngày và đều có mặt từ sáng sớm ngày hôm sau để nấu nướng, đóng gói và phát tận tay người dân. Dù là suất bún chay nhưng tất cả đều được chăm chút kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn thực phẩm và đủ dinh dưỡng. Thời gian đầu mới hoạt động, “Bếp ăn từ thiện” chỉ có 09 chị em nhưng sau gần 2 năm thì có khoảng 20 chị em đồng hành cùng bếp, không những vậy, ngoài sự đóng góp của các chị em trong nhóm thì nhiều nhà hảo tâm đã tham gia tài trợ thường xuyên, cố định để duy trì Bếp ăn đến ngày hôm nay và chúng tôi rất trân quý tấm lòng đó”. Nhờ những suất ăn từ thiện mà nhiều người dân lao động khó khăn có được những bữa ăn sáng chất lượng và có thêm niềm vui, động lực trong cuộc sống. Để duy trì hoạt động thường xuyên, Hội LHPN huyện Nhơn Trạch đã chủ động kêu gọi xã hội hóa, vận động nguồn lực từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp, tiểu thương và nhân dân trên địa bàn. Nhiều hộ dân dù không khá giả nhưng vẫn sẵn sàng góp bó rau, kg gạo, vài lít dầu ăn hay chút công sức để cùng góp lửa cho bếp. Sau gần 02 năm triển khai, những hội viên phụ nữ Nhơn Trạch vẫn âm thầm, bền bỉ “giữ lửa” cho Bếp ăn từ thiện, góp một phần gieo mầm hạnh phúc từ những điều giản dị nhất.
Bà Hồ Thị Kim Ngân – Chủ tịch Hội LHPN huyện Nhơn Trạch cho rằng: “Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp bữa ăn, mô hình “Bếp ăn từ thiện” còn góp phần gắn kết cộng đồng, tạo sân chơi gắn bó cho hội viên phụ nữ, thúc đẩy phong trào thi đua “Phụ nữ Nhơn Trạch nhân ái – hành động vì cộng đồng”. Thông qua mô hình, nhiều chị em trở nên năng động, tích cực tham gia công tác xã hội. Chính quyền địa phương đánh giá cao mô hình này không chỉ vì hiệu quả thiết thực trong chăm lo đời sống người dân, mà còn bởi giá trị tinh thần to lớn mà nó mang lại. Các bếp ăn trở thành nơi hội tụ tình người, lan tỏa năng lượng tích cực và góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Nhơn Trạch nhân hậu, trách nhiệm và đầy yêu thương”.
Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Nhơn Trạch tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện” gắn với các hoạt động an sinh xã hội như: tặng quà, khám bệnh miễn phí, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo… Đồng thời, tiếp tục đổi mới cách làm, tăng cường kết nối, kêu gọi nguồn lực để mô hình ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, xã hội.