Huyện
Nhơn Trạch được tái thành lập theo Nghị định 51-CP ngày 23/6/1994 của Chính phủ
và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/9/1994. Huyện có tổng diện tích tự nhiên 41.089 ha; trong đó có 10.121 ha rừng; 20.779 ha đất nông
nghiệp; có 12 xã, 53 ấp, 26.518 hộ với
tổng số dân là trên 232.310 người. Huyện Nhơn Trạch đã được Chính
phủ phê duyệt quy hoạch đô thị mới đến năm 2030 định hướng đến năm 2050
tại Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 22/3/2016. Ngày 13/11/2020, huyện Nhơn Trạch
được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới.
Đây là một phần thưởng xứng đáng cho sự phấn đấu và nỗ lực của Đảng bộ và Chính
quyền nhân huyện nhà trong suốt nhiều năm qua.
Là huyện giàu truyền thống cách mạng, trải qua các cuộc
kháng chiến chống thực dân đế quốc và xây dựng lại quê hương sau chiến tranh,
Đảng bộ và nhân dân huyện Nhơn Trạch luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục
khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và đã được Đảng và Nhà nước tặng
nhiều phần thưởng cao quý như: 7 tập thể và 01 cá nhân được phong tặng Anh hùng
lực lượng vũ trang nhân dân; 249 bà mẹ được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Sau chặng đường xây dựng và phát triển,
từ một huyện thuần nông, thu nhập chủ yếu của người dân là sản xuất nông
nghiệp, được tỉnh lựa chọn làm huyện trọng điểm trong phát triển công nghiệp
của tỉnh, nhân dân và cán bộ huyện Nhơn Trạch đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu,
phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, khắc phục mọi khó khăn, tập trung
mọi nguồn lực giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội;
kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được
phát triển và nâng cao.
Trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây kinh tế - xã hội
của huyện có mức tăng trưởng, phát triển vượt bậc, các nhiệm vụ chính trị đều
thực hiện vượt mục tiêu đề ra, nổi bật như: Công nghiệp - xây dựng không ngừng
tăng trưởng với tốc độ cao, là nhân tố quan trọng, chủ yếu thúc đẩy kinh tế địa
phương liên tục tăng trưởng nhanh, phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân
hàng năm trên 20%. Năm 2019, giá trị sản
xuất công nghiệp - xây dựng đạt trên 100.000 tỷ đồng, gấp hơn 2.000 lần so năm
1995. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật không ngừng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi
cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ giao thông
đi lại của nhân dân; đồng thời mở rộng gắn kết Nhơn Trạch với các địa phương
khác, với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Các
loại hình thương mại, dịch vụ tiếp tục có bước phát triển cả về số lượng và đa
dạng hoá loại hình hoạt động. Tổng
mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn có mức tăng trưởng bình quân hàng
năm trên 30%; giá trị luân chuyển hàng hoá đến nay đạt 8.737 tỷ đồng, tăng 125
lần so với năm 1995, nhờ đó đã đảm bảo đáp ứng được mọi nhu cầu sản
xuất, đời sống không ngừng tăng lên của mọi tầng lớp nhân dân. Tổng thu ngân sách
trên toàn địa bàn hàng năm trên 9.000 tỷ đồng (riêng năm 2019 đạt 11.230
tỷ đồng, chiếm khoản 25% thu ngân sách toàn tỉnh) tăng hơn 151 lần so
với năm 1995. Hiện nay, huyện Nhơn Trạch là đơn vị hành chính cấp huyện
có tổng thu ngân sách cao nhất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng
và của cả nước nói chung. Nông - Lâm - Thủy sản tiếp tục phát triển đi đôi
với gắn kết xây dựng nông thôn mới, cải thiện một bước đời sống nhân dân nông
thôn. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng trưởng với tốc độ bình quân
qua các năm trên 4%; đến năm 2019 giá trị sản xuất ước đạt trên 1.500 tỷ đồng,
bằng 12 lần so 1995. Đồng thời, cơ cấu kinh tế nông nghiệp từng bước đã chuyển
dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi (tăng từ 19% năm 1995 lên 36% năm
2018). Năm 2016, huyện Nhơn Trạch đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt
chuẩn huyện nông thôn mới; 12/12
xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Qua thực hiện chương trình nông thôn mới, cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch
đúng hướng, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được tập trung chỉ
đạo và thực hiện hiệu quả; hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ
thuật và cơ giới hóa trong nông nghiệp chuyển biến khá tích cực, diện mạo kinh tế nông
thôn có bước chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được cải
thiện, các dịch vụ và ngành nghề nông thôn tiếp tục phát triển, qua đó đã góp
phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần
của nhân dân trên địa bàn. Hoạt động Giáo dục- đào tạo; văn hóa - thể
dục - thể thao không ngừng phát triển đã góp phần nâng cao dân trí, chăm lo bồi
dưỡng đời sống tinh thần của nhân dân. Các hoạt động thông tin tuyên truyền,
văn nghệ, thể dục thể thao được thực hiện rộng rãi theo hướng xã hội hóa với
phương châm hướng về cơ sở, đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho
nhân dân. Nhơn Trạch cũng là đơn vị dẫn
đầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ về mọi mặt cho cán bộ, công
chức, viên chức và người lao động. Tính đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức đủ về số lượng, đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa và trẻ hóa đội ngũ, 100%
cán bộ, công chức, viên chức của huyện có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin
học đạt chuẩn và trên chuẩn. Các mặt công tác chính sách xã hội được quan tâm
và thực hiện tốt và thu được nhiều kết quả theo mục tiêu đề ra. Đời sống vật
chất - văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân không ngừng nâng cao. Công
tác y tế và công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình được thường xuyên thực hiện
tốt; luôn kịp thời phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh và ngày càng đáp ứng tốt hơn
việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn, thực hiện được mục
tiêu dân số đã đề ra.
Huyện cũng luôn xác định công tác cải cách hành chính là một nhiệm vụ
trọng tâm của nền hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Đây là chương
trình có sự tác động mạnh mẽ, sâu sắc và rộng khắp đến toàn xã hội, để cụ thể
hóa chương trình hành động cải cách hành chính huyện Nhơn Trạch giai đoạn 2011
- 2020 hàng năm điều ban hành các Kế hoạch, Chương trình thực hiện công tác cải
cách hành chính. Năm 2013, Nhơn Trạch là địa phương đi đầu của tỉnh trong xây
dựng hệ thống phần mềm quản lý điều hành công việc I-Office đã triển khai đến
100% cán bộ công chức, hiện nay với trên 1000 user sử dụng để quản lý công việc
và theo dõi chỉ đạo điều hành của UBND huyện, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết
kiệm chi phí trong quản lý điều hành chỉ đạo của huyện. Huyện Nhơn Trạch cũng là
huyện nằm trong tốp đầu của tỉnh Đồng Nai về Cải cách hành chính. Công tác Cải
cách hành chính của huyện luôn có sự đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng.
Chỉ số cải cách hành chính của huyện tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước
(trong 10 năm nay luôn đứng trong tốp 03 của tỉnh). UBND huyện Nhơn Trạch được
UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự
phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) luôn nằm trong tốp đầu của
tỉnh.

Huyện Nhơn Trạch hân hoan đón
nhận danh hiệu
“Anh hùng Lao động” thời kỳ
đổi mới.
Chia sẻ về những thành tích mà huyện nhà đã đạt được trong thời gian qua,
ông Lương Hữu Ích – PCT.UBND huyện cho biết: “Để được thành tích trên là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của cả hệ
thống Chính trị trong việc xây dựng và phát triển huyện nhà. Huyện luôn duy trì
và phát huy truyền thống đoàn kết, lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ
chính trị của địa phương, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống
chính trị trong thực hiện nhiệm vụ Kinh tế - Xã hội, Quốc phòng - An ninh. Thường
xuyên củng cố, kiện toàn bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở, đảm bảo hoạt
động đúng pháp luật không ngừng nâng cao, đổi mới phong cách, lề lối làm việc
của cán bộ, công chức, viên chức theo hướng gần gũi với nhân dân. Đặc biệt,
thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII) gắn với thực hiện việc học
tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Song song đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã
hội cũng đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường hướng về cơ sở, đóng góp
tích cực cho mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; tạo sự đồng
thuận, mở rộng dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây
dựng Đảng, chính quyền; trên cơ sở đó củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng,
quan hệ mật thiết của Đảng với nhân dân. Luôn tuyên truyền, phổ biến
những quy định liên quan về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành
chính đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện
để biết, nghiêm túc chấm hành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
bao gồm cả kiểm tra thường xuyên và đột xuất, kiên quyết xử lý nghiêm
các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức cố tình vi phạm các quy
định về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức, văn hóa giao tiếp,
trách nhiệm công vụ. Hưởng ứng tích cực và luôn triển khai đầy đủ các phong
trào thi đua yêu nước do Trung ương, do tỉnh phát động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân
về ý nghĩa, vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng
trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa và tình hình mới của đất nước
có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ
tiêu phát triển Kinh tế - Xã hội, Quốc phòng - An ninh của huyện, xứng đáng là
đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.
Đoàn
Mai