Hiện
nay, với sự phát triển nhanh của loại hình nuôi tôm công nghiệp đã kéo theo nhiều
bước tiến trong công nghệ chế tạo máy móc phục vụ nuôi tôm, chẳng hạn như máy quạt
tạo oxy, máy cho tôm ăn tự động. Và trong năm vừa qua, những hộ nuôi tôm trên địa
bàn huyện Nhơn Trạch tiếp tục ứng dụng thêm một kỹ thuật mới và đạt được nhiều
lợi ích thiết thực từ kỹ thuật này, đó là dùng Clo khí để xử lý vi khuẩn trong nguồn
nước nuôi tôm.
Anh Linh giới thiệu về hệ thống xử lý nước đầu vào bằng khí Clo
Nhìn vụ tôm khoẻ mạnh, ít rủi ro nhiễm
bệnh, anh Linh không khỏi vui mừng. Nhờ biết tìm tòi, học tập kinh nghiệm nên
vào đầu năm 2023, anh bắt đầu chuyển sang đầu tư hệ thống bơm khí Clo vào nước
bởi những ưu điểm vượt trội so với Clo dạng bột. Anh Lương Văn Linh – hộ nuôi
tôm tại ấp Quới Thạnh, xã Phước An cho biết: “Đầu năm 2023 thì mình bắt đầu áp dụng mô hình Clo khí, tính hiệu quả rất
cao so với Clo bột truyền thống, thứ nhất là về hàm lượng Clo khí ga đạt 99,9%,
còn Clo bột chỉ có 70%; còn về giá thành thì 1 thùng Clo bột là 45kg, khoảng
2.100.000đ/thùng, trong khi đó bình Clo khí này 50kg nhưng giá thành chỉ khoảng
1.500.000đ/bình, rẻ hơn 1/3”.
Anh
Linh cho biết thêm: “Thêm một hiệu quả nữa
đó là tính diệt khuẩn rất cao, khí Clo nằm trong đường ống sẽ giúp diệt khuẩn
được nhiều hơn, khi ra môi trường bên ngoài khí Clo bay hơi nhanh hơn so với
Clo bột, mình sử dụng nguồn nước trong thời gian sớm hơn”.
Ngoài giá thành rẻ hơn Clo bột thì
việc đầu tư chi phí ban đầu cũng không quá cao, anh Linh đã chi khoảng 80 triệu
đồng để mua 5 vỏ bình chứa khí Clo và lắp đặt 200m ống dẫn nước, mỗi bình khí
Clo có thể sử dụng hơn 10 ngày, trung bình mỗi tháng chi phí bơm khí Clo dao động
khoảng 5 triệu đồng.
Nhận
thấy đây là kỹ thuật mới nhưng ít tốn kém nên Hội Nông dân xã đã có định hướng
để nhân rộng cho các hộ đang nuôi tôm trên địa bàn. Anh Phạm Thanh Tuấn – Chủ tịch
Hội Nông dân xã Phước An cho hay: “Hiện
trên địa bàn xã có khoảng 250 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghiệp,
với diện tích gần 300ha, trong đó có 02 hộ đang ứng dụng Clo khí trong xử lý nước
nuôi tôm, đó là hộ anh Lương Văn Linh và anh Nguyễn Huy Bình, cả 02 hộ đều là
nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhận thấy mô hình sử dụng khí Clo xử lý nước
có hiệu quả nên tiếp tục nhân rộng đến các hộ còn lại”.
Hiện
tại, hộ của anh Linh đang đầu tư 3 ao nuôi tôm công nghiệp trên diện tích hơn
2,7 ha, mỗi năm là 4 vụ, do đó việc xử lý nước là một bước vô cùng quan trọng,
mang tính “sống còn” của người nuôi, nhờ sớm nắm bắt kỹ thuật mới đã giúp gia đình
anh thu về lợi nhuận gần 2 tỷ đồng trong năm 2023.
Xuân Mai –Huỳnh
Phúc