Trà Phú Hội lâu nay được nhiều người biết đến là sản vật nức tiếng của vùng đất Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, nếu ai đã từng được thưởng thức hương vị của Trà Phú Hội chắc chắn sẽ không thể quên được vị thanh ngọt, mát lành. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, trải qua nhiều thế hệ thì người dân Phú Hội vẫn giữ được những gốc trà có tuổi đời hơn trăm tuổi.
Những cây trà Phú Hội tuy chỉ cao ngang tầm với nhưng mỗi gốc trà có thể đã trải qua hàng thế kỷ, với sức sống mãnh liệt, cây trà Phú Hội ngày nay vẫn là một trong những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cho người dân qua nhiều thế hệ. Tại vườn trà của ông Trà Văn Phúc, người dân trong vùng thường gọi ông với tên thân mật là ông Tư Nô, ông năm nay đã 82 tuổi, còn người trồng vườn trà này là ông nội của ông. Khi ấy, ông còn chưa ra đời. Ông tư tâm sự: “Hồi trước, ông nội tôi lúc còn trẻ thì trồng vườn chè này, sau đó đến thời ba tôi, bây giờ ba tôi cũng mất rồi và đến thời tôi, lúc đó ông nội tôi trồng thì tôi chưa có, ba tôi cũng chưa có gia đình nữa. Sau đó thì tôi vẫn làm trà bình thường, tức là làm thủ công thôi, hái rồi phơi rồi lựa mới bán được”.

Ông Tư Nô vô cùng tự hào khi kể về những cây trà Phú Hội có tuổi đời hơn trăm năm nhưng vẫn đâm chồi, nẩy lộc, là nguồn kinh tế của gia đình
Lần theo trí nhớ và những mốc thời gian của tiền nhân, ông Tư cho biết những cây trà trong vườn nhà khoảng 105 đến 110 tuổi. Suốt nhiều thế hệ gia đình ông Tư đã sống cùng vườn trà, cây trà nuôi sống cả gia đình, con cháu ăn học thành tài cũng từ cây trà. Nhưng sau hơn 1 thế kỷ, vườn trà phần nhiều đã không thể chống chọi với thời gian. Hơn một ngàn cây ban đầu nay chỉ còn vài chục gốc. Hơn trăm tuổi, nhưng những gốc trà còn lại vẫn cho thu hái. Ông tư cho hay: “hồi ông nội tôi thì vườn trà tới hơn 1 ngàn cây, nhân công hái phải tới 3 người mà hái cả tuần mới hết, thường 15 ngày mới hái một lần, còn tôi bây giờ thì khoảng 1 tuần lễ là tôi hái vì đọt búp mình để lại, còn đọt nở thì hái rồi làm khô, búp sẽ nở và mình hái tiếp, cũng nhờ cây trà mà gia đình tôi cũng sung túc, thoải mái”.
Những cây trà hàng trăm năm tuổi ấy hiện vẫn ra cành nhánh mới, cho lá búp xanh non, cho ấm trà thanh mát…, mà chỉ cây trà ở Phú Hội mới có hương vị đặc trưng. Là một trong những thế hệ nối tiếp nghề trồng trà Phú Hội của ông cha, anh Nguyễn Huy Sang, hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh trà Phú Hội, anh Sang chia sẻ: “Là thế hệ con cháu tôi rất là tự hào về ông bà mình đã giữ gìn, tận tâm tận tuỵ với cây trà và vun đắp cho cây trà tốt tươi như ngày hôm nay, tuy trà trên trăm tuổi nhưng cây vẫn sinh sôi, vẫn nảy mầm và tiếp tục vươn mình để ra những búp trà ngon. Là thế hệ con cháu tôi sẽ tiếp tục tiếp nối và kế thừa, phát huy những giá trị để có hướng tuyên truyền, vận động người dân Phú Hội giữ gìn cây trà của mình”.
Trải qua nhiều biến động, nghề trồng trà, làm trà ở Phú Hội đã có lúc mai một. Nhưng may mắn, có những người như ông Tư vẫn nặng lòng, để cây trà được hồi phục…Ngày nay, ở Phú Hội, người dân đã hồi phục và nhân rộng lại được khoảng 10 ha trà, hiện thương hiệu trà Phú Hội cũng đã có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, góp phần lưu giữ nghề trà và đưa thương hiệu trà Phú Hội ngày càng phát triển.