Thay vì phải thụ án 18 năm với tội danh mua bán trái phép chất ma tuý nhưng nhờ có tinh thần cải tạo tốt nên sau hơn 10 năm thụ án trong trại giam, năm 2020, anh Nguyễn Hắc Long (47 tuổi) ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch được tại ngoại trước thời hạn, trở về địa phương và bắt đầu một cuộc sống mới.
Anh Long là một trong những trường hợp người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được tiếp cận nguồn vốn vay theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện. Trong thời gian chấp hành bảng án, anh Long may mắn được học nghề chăm sóc cây kiểng và làm đồ gỗ mỹ nghệ, đây chính là “chiếc cần câu” giúp anh có thu nhập ổn định sau khi được giải ngân số vốn vay là 100 triệu đồng. Có vốn, có tay nghề, anh Long nhanh chóng định hướng con đường cho tương lai sắp tới. Đó là thuê một mảnh đất ở xã Long Tân để buôn bán chậu và cây kiểng, anh cũng trích một phần mua máy xay sơ dừa để làm phân bón; thời gian đầu anh tìm mua lại những chậu cây kiểng được các quán nước thanh lý, có những chậu dường như không còn giá trị nhưng được anh mua về uốn nắn, chăm sóc thì được khách trả giá cao, cộng với tiền bán chậu nên anh từng bước tích luỹ được thêm một số vốn kha khá. Anh Long chia sẻ:“Gặp may mắn là nhiều khách hàng ủng hộ món hàng của mình, từ đó mình sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đến ngày hôm nay mình làm được rất nhiều việc và phát triển thêm những ngành nghề khác. Dựa vào nguồn vốn mà nhà nước hỗ trợ, sau khi chấp hành án về thì được vay nguồn vốn đó, địa phương cũng ủng hộ rất nhiều và hỗ trợ tất cả có thể. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến chính quyền địa phương và ngân hàng chính sách xã hội huyện đã hỗ trợ tôi một số vốn để tôi làm ăn và có cuộc sống tốt hơn”.
Đặc biệt, nhờ có tay nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ, điêu khắc rất điêu luyện, những sản phẩm anh làm ra đều rất có hồn, với giá bán ra từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng. Thời gian đầu việc kinh doanh các sản phẩm gỗ mỹ nghệ khá thuận lợi nhưng thị hiếu và nhu cầu của khách hàng giảm dần, không nản chí, anh bắt đầu chuyển sang kinh doanh nghề đóng áo quan, gỗ được anh nhập về qua một công ty, có đầy đủ hoá đơn chứng từ, sau khi đảm bảo về mặt pháp lý, anh bắt đầu một công việc mới, anh cũng liên kết với các cơ sở dịch vụ mai táng ở TP.HCM nên dần dần có đơn hàng và số lượng tăng dần, để mở rộng việc sản xuất, anh mạnh dạng thuê thêm 03 nhân công là những thợ đóng gỗ có tay nghề phụ giúp, công việc ngày càng thuận lợi, thu nhập mỗi tháng dao động từ 40 – 50 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí. Anh Long tâm sự, anh học được rất nhiều điều hay, các ngành nghề và kết bạn được với những anh em cùng chí hướng mong muốn hoàn lương khi còn trong trại giam, sau khi trở về, những bạn tù của anh hiện giờ ai cũng đã có một công việc ổn định, bản thân anh và những người bạn đã góp sức hỗ trợ, tặng áo quan cho hàng chục gia đình khó khăn, có người thân không may qua đời.
Đánh giá về hiệu quả từ nguồn vốn vay, ông Vũ Trường Sơn – Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho biết: “Qua thời gian cho vay thì anh sử dụng nguồn vốn rất hiệu quả và đúng mục đích, chỉ từ việc đầu tư ban đầu là mua chậu trồng cây kiểng với số tiền vay là 100 triệu thì anh đã có lợi nhuận và phát triển thêm nghề điêu khắc và nghề mộc, hiện nay cơ sở của anh đã phát triển thêm 3 người thợ, giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương”.
Từ cuối năm 2023 đến nay, toàn huyện đã có 28 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù về địa phương vay tổng số vốn hơn 1,6 tỷ đồng để làm ăn, buôn bán, tái hoà nhập cộng đồng. Ông Nguyễn Tấn Đạt – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho hay:“Đối với những trường hợp này, trước khi cho vay chúng tôi cũng phối hợp với địa phương và các tổ tiết kiệm vay vốn kiểm tra trước khi cho vay, đến nay các hộ này đều chấp hành đóng lãi và đóng tiết kiệm kịp thời, chương trình này mang tính rất là nhân văn do đó thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, công an huyện, công an xã tuyên truyền sâu rộng, tiếp cận nguồn vốn kịp thời”.
Đã có những người như anh Long vì lầm đường lạc lối mà vướng vào vòng lao lý và phải chịu những mức hình phạt tù khác nhau. Sau quá trình cải tạo, được trở về nhà và bắt đầu hành trình tái hòa nhập cộng đồng. Đối với anh Long và những người chấp hành xong bản án thì sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cùng với nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện thì sự động viên của gia đình chính là “chìa khóa” để giúp họ mở ra một cánh cửa tương lai tươi sáng hơn.