Những năm gần đây, nhiều hộ nông
dân trên địa bàn huyện Nhơn Trạch đã dần chuyển hướng từ phương pháp nuôi trồng
truyền thống sang hình thức công nghiệp với hệ thống nuôi trồng khép kín, tự động,
ít tốn diện tích đất, bảo vệ môi trường, không những vậy các sản phẩm bán ra
cũng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khoẻ người tiêu dùng.
Ứng dụng khí Clo để “làm sạch” nước nuôi
tôm
Với sự phát triển nhanh của loại
hình nuôi tôm công nghiệp đã kéo theo nhiều bước tiến trong công nghệ chế tạo
máy móc phục vụ nuôi tôm, chẳng hạn như máy quạt tạo oxy, máy cho tôm ăn tự động.
Hiện nay, những hộ nuôi tôm tiếp tục ứng dụng thêm một kỹ thuật mới và đạt được
nhiều lợi ích thiết thực từ kỹ thuật này, đó là dùng Clo khí để xử lý vi khuẩn
trong nguồn nước nuôi tôm.
Tại ao tôm của hộ nông dân Nguyễn
Văn Linh thuộc ấp Quới Thạnh, xã Phước An, từ năm 2023 đến nay, tình hình dịch
bệnh trên tôm đã được cải thiện đáng kể từ khi anh biết ứng dụng công nghệ xử
lý nước bằng khí Clo. Anh Linh cho biết: “Đầu
năm 2023 thì tôi bắt đầu áp dụng mô hình Clo khí vào khâu xử lý nước, tính hiệu
quả rất cao so với Clo bột truyền thống ở cả ba yếu tố, thứ nhất là về hàm lượng
Clo khí gas đạt 99,9%, còn Clo bột chỉ có 70%; về giá thành thì 1 thùng Clo bột
là 45kg, khoảng 2.100.000đ/thùng, trong khi đó bình Clo khí này 50kg nhưng giá
thành chỉ khoảng 1.500.000đ/bình, rẻ hơn 1/3”. Cũng theo anh Linh, thêm một
hiệu quả nữa đó là tính diệt khuẩn rất cao, khí Clo nằm trong đường ống sẽ giúp
diệt khuẩn được nhiều hơn, khi ra môi trường bên ngoài khí Clo bay hơi nhanh
hơn so với Clo bột, nguồn nước được sử dụng trong thời gian sớm hơn. Ngoài giá
thành rẻ hơn Clo bột thì việc đầu tư chi phí ban đầu cũng không quá cao, riêng
anh Linh đã chi khoảng 80 triệu đồng để mua 5 vỏ bình chứa khí Clo và lắp đặt
200m ống dẫn nước, mỗi bình khí Clo có thể sử dụng hơn 10 ngày, trung bình mỗi
tháng chi phí bơm khí Clo dao động khoảng 5 triệu đồng.
Mô
hình trồng rau thuỷ canh của hộ nông dân Bao Minh Quang tại xãVĩnh Thanh được
đánh giá cao về ứng dụng kỹ thuật mới trong nông nghiệp
Cũng tại xã Phước An, hộ anh Nguyễn
Huy Bình, ấp Vũng Gấm cũng đã áp dụng phương pháp xử lý nước bằng Clo khí được
hơn 1 năm nay. Nhờ đó chi phí khử trùng ao nuôi giảm khoảng 3 lần, thời gian chờ
cũng nhanh hơn do khí clo bay hơi nhanh hơn. Anh Bình cho biết thêm: “Tổng vốn đầu tư cho 4 máy clo khí tại khu
nuôi tôm của tôi là 320 triệu, chi phí cho 1 ký tương đương khoảng 16 ngàn 500
đồng. Không những vậy, Clo khí đảm bảo hàm lượng đúng theo công bố. Còn Clo bột
tối đa chỉ 70% và chất lượng không ổn định, tính sát trùng không cao”. Anh
Bình đang đầu tư tới 13 ha ao nuôi. Trong đó, có khoảng 3ha ao nuôi tôm thẻ
chân trắng, còn lại là ao lắng lọc nước. Còn anh Linh đang đầu tư 3 ao nuôi tôm
công nghiệp trên diện tích hơn 2,7 ha, do đó việc xử lý nước là một bước vô
cùng quan trọng, mang tính “sống còn” của người nuôi, nhờ sớm nắm bắt kỹ thuật
mới đã giúp anh Linh thu về lợi nhuận gần 2 tỷ đồng/năm, còn anh Bình thu về gần
10 tỷ đồng/năm.
Nhận thấy đây là kỹ thuật mới ít tốn
kém nên Hội Nông dân xã đã có định hướng để nhân rộng cho các hộ đang nuôi tôm
trên địa bàn. Anh Phạm Thanh Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An cho hay:
“Hiện trên địa bàn xã có khoảng 250 hộ
nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghiệp, với diện tích gần 300ha,
trong đó có gần 20 hộ đang ứng dụng Clo khí trong xử lý nước nuôi tôm, nhận thấy
mô hình sử dụng khí Clo xử lý nước có hiệu quả nên hội sẽ tiếp tục nhân rộng đến
các hộ còn lại”.
Trồng rau “sạch” theo hướng thuỷ canh
So với canh tác truyền thống, những
năm gần đây, mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng đã được nông dân huyện
Nhơn Trạch ứng hiệu quả, mô hình này vừa thể hiện nhiều ưu điểm về an toàn thực
phẩm, có thu quanh năm và ít chịu tác động từ thời tiết. Bắt đầu trồng rau theo
mô hình thủy canh từ đầu năm 2022 đến nay, anh Bao Minh Quang – nông dân tại ấp
Thanh Minh, xã Vĩnh Thanh đã và đang thu về lợi nhuận khá tốt từ việc trồng khoảng
2 ngàn m2 rau thủy canh.
Theo anh Quang, mặc dù chi phí đầu
tư cho toàn bộ hệ thống nhà màng khá cao, với gần 2 tỷ đồng nhưng có đầu ra ổn
định vì nhu cầu tiêu thụ rau “sạch” của người dân rất nhiều, trung bình rau đạt
năng suất từ 1,5 tấn/tháng, tùy từng loại rau mà giá thành bán ra từ 40 – 45
ngàn đồng/kg. Để có được vườn rau thủy canh xanh mướt với đủ loại rau như: cải
ngọt, sà lách, cải xoăn, rau muống,… anh Quang đã đầu tư về hệ thống nhà màng, ống
trồng rau, hệ thống cấp nước từ hồ lên giàn, hệ thống phun sương, hệ thống làm
mát nước bằng quạt và hệ thống lưới cắt nắng nhằm hạn chế hấp thu nhiệt bên
ngoài, giúp cây rau giữ được độ xanh tươi. Anh Quang cho biết: “nông dân trồng
rau thủy canh được nhiều lợi ích, hạn chế các rủi ro về sâu bệnh, thời tiết thất
thường, phân bón rau là các chế phẩm sinh học, an toàn nên năng suất cũng cao
hơn so với trồng trên đất. Những loại rau này hầu như không thấy xuất hiện tại
các chợ truyền thống trên địa bàn huyện Nhơn Trạch mà chủ yếu được bán cho các
siêu thị, do đó nhiều người dân ở đây thấy lạ nên thường mua ăn thử, sau đó thấy
rau giòn, ngon nên rất thích”. Anh Quang cũng tâm sự, trồng rau này cũng cần có
sự đam mê, yêu thích nghề trồng trọt, nhất là ứng dụng khoa học kỹ thuật để tạo
nên những sản phẩm sạch, đạt chất lượng để cung cấp cho thị trường.
Đánh giá về tính hiệu quả mà rau thuỷ
canh mang lại cho nông dân xã Vĩnh Thanh, ông Trần Hoàng Sự - Bí thư Đảng uỷ xã
cho rằng: “nhận thấy thị hiếu của người
dân rất ưa chuộng thực phẩm sạch, nhất là rau sạch nên khi hộ nông dân Bao Minh
Quang phát triển vườn rau thuỷ canh, địa phương cũng đã khuyến khích và tạo điều
kiện cho hội viên nông dân đến tham quan, tìm hiểu và học tập kinh nghiệm, từ
đó nhân rộng mô hình này trên địa bàn”.
Từ thực tế cho thấy, việc thay đổi
tư duy, đưa công nghệ vào sản xuất đã giúp nông dân huyện Nhơn Trạch hạn chế những
bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, mùa vụ…, từ đó tạo ra những sản phẩm nông sản sạch,
an toàn cho người tiêu dùng. Cả 02 mô hình nuôi tôm công nghiệp và trồng rau thủy
canh không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giá trị sản xuất mà
còn làm thay đổi tập quán canh tác, hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng
bền vững.
Xuân
Mai