Là bộ đội xuất ngũ trở về quê sau khi chiến đấu ở chiến trường Campuchia, ông Phan Văn Thọ, nay đã 61 tuổi, ngụ ấp Thành Công, xã Vĩnh Thanh đã lựa chọn nghề nông để mưu sinh, có thời gian trồng lúa nhưng khi được Hội nông dân xã hướng dẫn chuyển sang trồng nấm rơm để nâng cao thu nhập, đến nay ông đã gắn bó với nghề trồng nấm rơm được 12 năm vì tính hiệu quả về kinh tế của mô hình này.
Chia sẻ về quá trình bắt đầu trồng nấm rơm, ông Thọ cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng ủy, ủy ban và hội nông dân của xã hỗ trợ, tạo điều kiện cho tôi được đi học hỏi vì tuổi già nên muốn tôi chuyển nghề làm ruộng cho khỏe. Sau khi đi học hỏi nhiều nơi, tôi bắt đầu chuyển sang trồng nấm rơm và nhận thấy lợi nhuận thu được gấp 5,6 lần trồng lúa, hiệu quả rất cao, có thể nói nấm rơm là cây trồng giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả”. Ông cũng cho biết thêm, trồng nấm rơm không nặng nhọc nhưng phải siêng năng, chỉ cần chịu khó thức khuya, dậy sớm là có thu nhập.
Theo tính toán, trong năm nay, ông Thọ chi hơn 40 triệu đồng để mua trên 2.000 cục rơm ủ và đầu tư 70 triệu để làm nhà trồng nấm, sau khi trừ các chi phí khác, ông thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. Đối với những người ở độ tuổi của ông thì số tiền kiếm trên 10 triệu đồng mỗi tháng từ sức lao động là khá nhiều, đủ cho gia đình chi tiêu, không những vậy, ông còn nuôi hai đứa cháu nội ăn học vì ba mẹ phải đi làm ăn xa tận Bình Dương, không có điều kiện chăm sóc các con.
Không giấu nghề, ông Thọ vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm rơm với chúng tôi khi được hỏi, ông cho hay: “Đối với chăm sóc cây nấm rơm, cần nguồn rơm sạch, không bị nhiễm phèn, nấm mốc, rơm thường được ông thu mua khi thu hoạch lúa vụ Đông Xuân, khi ủ thì phủ chín rơm; riêng meo để ủ cũng cần lựa chọn kỹ càng, được ông mua tận Đồng Tháp, theo ông Thọ, meo chất lượng là phải vừa chín tới, có độ tơi, nếu meo lên đỏ thì càng tốt, bên cạnh đó cũng cần phải điều chỉnh nhiệt độ, từ 31 – 35 độ C, nếu vượt quá ngưỡng cho phép thì phải tìm cách giảm nhiệt độ, có như vậy mới đảm bảo quá trình phát triển của nấm rơm”. Ngoài ra, ông Thọ còn sử dụng phân hữu cơ với liều lượng nhất định để ủ rơm cho thật nhuyễn và khử trùng nền đất bằng vôi bột. Đối với rơm đã qua sử dụng, ông còn tận dụng để trồng các loại rau, đọt bí bán kiếm thêm thu nhập.
Ông Phan Văn Thọ chuẩn bị rơm cho vụ nấm tiếp theo
Để có được một vụ nấm rơm đạt chất lượng, bán có giá, ông Thọ đã học tập kinh nghiệm ở tận quận Ô Môn – thành phố Cần Thơ, đó là dựng mái che để trồng trong nhà thay vì trồng ngoài trời như trước kia. Nhờ đó, mà chỉ sau một tháng áp dụng đã giúp ông nâng cao sản lượng, thu hoạch 2 lần/ngày, nấm được cắt lúc 12 giờ khuya và 12 giờ trưa để giữ độ tươi ngon, sau đó làm sạch để kịp bỏ mối cho tiểu thương ngoài chợ, với giá thành từ 100 – 120 ngàn đồng/kg, tùy vào thời điểm như ngày mùng 1 và ngày 15 âm lịch thì nấm rơm có giá cao hơn vì nhiều người thường ăn chay vào dịp này, ngoài xã Vĩnh Thanh, ông còn bán cho tiểu thương ở các xã: Đại Phước, Phước Thiền, Long Tân, Phú Hội,…
Phía Hội nông dân xã Vĩnh Thanh cũng có gợi ý cho ông vay thêm tiền để mở rộng nhà trồng nấm nhưng thấy thu nhập của gia đình khá cao nên ông đã nhường quyền lợi ấy cho các hộ nông dân khác, khó khăn hơn. Tuy lớn tuổi nhưng ông Thọ vẫn có ý định đi xuống An Giang để học hỏi kinh nghiệm trồng nấm sao cho thu hoạch 3 lần/ngày và xây thêm một nhà kho để chứa rơm dùng cho cả năm vì để ngoài trời dễ bị hao hụt do thời tiết.
Có thể nói, Mô hình trồng nấm rơm đã và đang mở ra hướng làm kinh tế mới, hiệu quả cho người nông dân. Mô hình này rất thích hợp với điều kiện sản xuất hộ, vốn đầu tư không nhiều nên phù hợp với tình hình kinh tế của người dân. Mặt khác, việc trồng nấm rơm trong nhà cũng là một giải pháp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh phát triển mạnh, tận dụng hiệu quả nguồn phế phẩm từ nông nghiệp. Chính vì vậy, Hội Nông dân xã Vĩnh Thanh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân có nhu cầu trồng nấm rơm để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu.
Xuân Mai