Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Thăm di tích lịch sử Ngã ba Giồng Sắn

​Ngã ba Giồng Sắn thuộc ấp Bến Đình, xã Phú Đông - nơi đã xảy ra trận càn quét man rợ của địch khiến rất nhiều người dân thiệt mạng. Sau gần 60 năm lịch sử, về thăm lại Giồng Sắn hôm nay, khung cảnh yên bình đã phần nào xoa dịu những ký ức đau thương năm xưa.

Ký ức đau thương

Về Nhơn Trạch - vùng đất anh hùng, chúng tôi dừng chân ghé thăm Di tích lịch sử ngã ba Giồng Sắn. Ngã ba Giồng Sắn (gồm sông Ông Kèo, sông Ông Mai và sông Thị Vải gặp nhau tại ngã ba Vàm Xoắn, người dân địa phương đọc và trại ra thành Giồng Sắn). Ngã ba Giồng Sắn là một đầu mối giao thông đường thủy, vào những năm 60, tại đây thường xuyên có nhiều ghe xuồng cặp bến. Không chỉ có người dân trong vùng Nhơn Trạch, Long Thành mà còn các ngư dân từ các tỉnh miền Tây, Sài Gòn, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng lên đây làm ăn sinh sống. Chính vì vậy mà khu vực ngã ba Giồng Sắn trở nên đông đúc, nhộn nhịp như chợ họp ở ven sông…Nhưng vào buổi chiều ngày 27/9/1964, tại ngã ba Giồng Sắn đã biến thành cơn ác mộng, cho đến tận hôm nay, mỗi khi nhớ lại, nhiều người dân ở các xã Phú Hữu, Đại Phước, Vĩnh Thanh…chứng kiến vụ thảm sát vẫn còn bàng hoàng, thảng thốt.

Theo ký ức của người may mắn sống sót kể lại, khoảng 16 giờ chiều, sau cơn mưa trời hanh hảnh nắng. Hàng trăm ghe thuyền của người dân đi mua bán, kiếm củi, đánh bắt hải sản từ các hướng đổ về neo đậu tại ngã ba Giồng Sắn, chuẩn bị đưa củi, cá, tôm…lên bờ mua bán, trao đổi như mọi ngày, chờ xuôi nước đi tiếp. Lúc đó, ngã ba sông nhộn nhịp tiếng rao bán hàng, tiếng í ới gọi, hỏi thăm nhau về chuyện làm ăn, hái củi, đánh bắt cá, tôm và chuyện gia đình, con cái… nhưng tất cả nhanh chóng chìm vào tiếng gầm rú của máy bay, tiếng trút đổ của bom đạn. Những cột khói cuồn cuộn bốc lên phủ kín chỗ ghe xuồng đậu…Những cột nước dâng cao hàng chục mét rồi dập xuống bắn tung tóe làm cho nhiều ghe xuồng lật úp, nhiều chiếc bị vỡ ra thành từng mảnh. Sau gần 4 tiếng đồng hồ quần đảo ném bom, bắn pháo giết hại thường dân vô tội; khi phát hiện dưới mặt đất không còn sự sống, máy bay địch mới rút lui. Nhằm phong tỏa hiện trường, không cho đồng bào ta đến cứu người bị nạn; địch tiếp tục cho pháo từ đồn Nhà Bè (Sài Gòn) bắn sang khu vực ngã ba sông Ông Kèo, sau đó điều 3 chiếc xe đến hiện trường chở nhiều chuyến người chết và bị thương đi nơi khác để phi tang chứng cứ. Khoảng hơn 20 giờ đêm, khi không còn nghe tiếng máy bay, tiếng pháo, tiếng xe của địch, đồng bào các xã: Phú Hữu, Vĩnh Thanh, Phước Khánh, Đại Phước…ở gần ngã ba Giồng Sắn rời khỏi hầm trú ẩn, đốt đuốc, rọi đèn chèo xuồng, ghe nhanh ra ngã ba sông - nơi vừa xảy ra cuộc thảm sát để tìm kiếm và cứu những người còn sống sót. Tổng cộng chúng đã ném bom giết hại 536 thường dân vô tội tại Ngã ba Giồng Sắn. Sau sự kiện nay, huyện uỷ Nhơn Trạch đã tổ chức một cuộc biểu tình với hơn 1.000 người tham gia, phản đối hành động sát hại dân lành của Mỹ - Ngụy. Tội ác này khiến cho cả nước căm phẫn, lên án sự độc ác, tàn bạo của quân địch.

Nhân chứng Dương Văn Lầu, hiện ngụ tại phường Thạnh Mỹ Lợi (Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh) - nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát kể lại: gia đình tôi đang đậu ghe ở bến Giồng Sắn (xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch) ăn bữa cơm chiều. Bỗng, chúng tôi nghe tiếng máy bay gầm rú dữ dội trên bầu trời và ngay trên đầu, chỉ trong chốc lát, hàng loạt bom đạn thả xuống các ghe thuyền neo đậu ở đây. Gia đình tôi may mắn được sống sót, nhưng bom đạn đã phá tan tành chiếc ghe chở mướn - tài sản duy nhất của gia đình tôi, vì thế chúng tôi phải rời bỏ quê hương (xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch) đi nơi khác tìm kế sinh nhai”. 

Không được may mắn như gia đình ông Dương Văn Lầu, bà Phạm Thị Em hiện ngụ tại huyện Long Thành có cha là ông Phạm Văn Khế  bị thảm sát tại ngã ba Giồng Sắn đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Đây là một vụ thảm sát kinh hoàng, là nỗi đau mãi mãi không bao giờ nguôi không chỉ trong lòng những người dân đã mất đi người thân mà là nỗi đau của nhân dân Nhơn Trạch nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Giá trị còn mãi

Ngày nay, Di tích Vụ thảm sát Giồng Sắn được bảo tồn, phát huy giá trị có ý nghĩa to lớn đối với lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương; đánh dấu một giai đoạn ác liệt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta; là bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam. Vụ Mỹ - Ngụy thảm sát thường dân vô tội trên sông Ông Kèo, Đảng và Nhà nước ta đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, đồng tình, ủng hộ của các nước đồng minh phe xã hội chủ nghĩa, các nước láng giềng và các nước yêu chuộng công lý, hòa bình trên thế giới, cho thấy cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc của nhân dân ta không đơn độc. Hơn nữa, chính qua cuộc chiến tranh này đã nâng cao vị thế, vai trò của nước Việt Nam trên bản đồ thế giới - một đất nước thuần nông nhỏ bé nhưng đã dám đương đầu với một đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới và đã chiến thắng trong vinh quang. Cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân huyện Nhơn Trạch (Biên Hòa) lên án tội ác của Mỹ - Ngụy và yêu cầu bồi thường tính mạng, tài sản cho đồng bào bị sát hại trên sông Ông Kèo đạt được thành công, cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta trong công tác xây dựng lực lượng nòng cốt, công tác binh vận; tuyên truyền, giáo dục quần chúng; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng ta và sức mạnh của quần chúng nhân dân trong kháng chiến. 

2020.19.5 di tich Giong San.png
Khung cảnh yên bình tại công viên tưởng niệm Giồng Sắn


Với những giá trị to lớn đó, Địa điểm ngã ba Giồng Sắn đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 22/10/2004. Đến ngày 23/9/2014, di tích này đã được nâng cấp thành di tích cấp quốc gia và đổi tên thành Vụ thảm sát Giồng Sắn. Việc xếp hạng và trùng tu, tôn tạo di tích là một việc làm đúng đắn và thiết thực không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là công trình mang tính nhân văn sâu sắc để giáo dục lòng yêu nước - một đạo lý tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc ta. Những nỗi đau thương của quá khứ cần được khép lại nhưng những bài học của nó vẫn còn nguyên giá trị cho thế hệ trẻ ngày nay. Đến nay, di tích ngã ba Giồng Sắn là điểm đến tham qua của thế hệ học trò và du khách thập phương, tưởng nhớ những người đã khuất. Đến tham quan di tích Vụ thảm sát Giồng Sắn, lớp trẻ sẽ hiểu được được sự mát mát, đau thương của cuộc chiến tranh đã đi qua, nhưng cũng vô cùng hãnh diện, tự hào về thành quả độc lập, tự do mà cha ông đã đổ xương máu và cả tính mạng giành được. Từ đó, thấy được giá trị của cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc hôm nay để luôn trau dồi đạo đức cách mạng, lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sẵn sàng lên đường bảo vệ biên cương lãnh thổ của tổ quốc khi có giặc ngoại xâm. 

Giồng Sắn giờ đây không còn đau thương mất mát nữa, thay vào đó là một chiếc áo mới bình yên, sâu lắng trong tâm trí người tìm về. Nhưng dù xưa hay nay, những ký ức về địa danh lịch sử này vẫn luôn in đậm trong lòng bao người để luôn nhắc nhớ chúng ta cùng bắt tay nhau xây dựng cuộc sống mới và xoa dịu những bất hạnh, đau thương, cùng hướng về một thế giới hòa bình, không chiến tranh.

Đoàn Mai



Hồ sơ mẫu Thủ tục hành chính

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử UBND huyện Nhơn Trạch.



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NHƠN TRẠCH - TỈNH ĐỒNG NAI

--------------------------------

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nhơn Trạch

Địa chỉ: số 01, đường Phạm Văn Thuận, ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - điện thoại: (0251)3521.234 – 3521.110 - fax: (0251)3521.090 – Email: ubnd-nt@dongnai.gov.vn

(Giấy phép: số 52/GP-TTDT ngày 11/8/2008 của Bộ Thông Tin Và Truyền Thông cấp)


Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Nhơn Trạch

Địa chỉ: ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - điện thoại: (0251)3251.139, Email: pvhtt-nt@dongnai.gov.vn

(yêu cầu ghi rõ: nguồn "Trang thông tin điện tử huyện Nhơn Trạch" hoặc "www.nhontrach.dongnai.gov.vn" khi có nhu cầu trích dẫn phát hành lại các thông tin từ website này)​

​​