Món
bánh tráng cuốn là món ăn quen thuộc của nhiều người, từ 1 chiếc bánh tráng mỏng
nhưng lại là nguyên liệu chính để chế biến nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên, quy
trình để cho ra đời những chiếc bánh tráng lại không hề đơn giản, đòi hỏi nhiều
yếu tố như: chọn gạo, canh lửa, canh nước, trong đó tay nghề của người tráng
bánh vẫn là quan trọng nhất.

Cận cảnh chiếc bánh tráng mỏng dai được bà
Yến làm thủ công
Vào mỗi buổi sáng, lò tráng bánh của bà
Yến tại ấp Long Hiệu, xã Long Tân lại rực lửa, đã gắn bó với nghề hơn 25 năm
nên bà cũng đặt hết tâm huyết vào từng chiếc bánh. Qua lời kể của bà thì để làm
được một chiếc bánh tráng hoàn chỉnh trước nhất là chọn gạo, phải ngâm, sau đó
vo thật sạch rồi cho vào máy xay thành bột, công đoạn xay gạo người làm phải đứng
canh và dùng tay kiểm tra chất lượng bột, đảm bảo không có hạt gạo nào sót lại,
tiếp đó là rây để cho mài gạo, mài trấu không lẫn trong bột. Cũng theo bà Yến,
ngoài bột gạo bà cũng cho một ít muối và bột năng để bánh tráng được mềm, trắng, có độ dai và vị đậm đà, khi tráng thấy
bánh có độ bóng, sờ dính tay là bánh đạt chất lượng. Bà Yến cho biết thêm:“Muốn làm được một cái bánh đẹp mà ngon thì
có 3 yếu tố quan trọng nhất là gạo, thì gạo phải là gạo 110, ngâm trong 8 tiếng, xay ra thành bột, rây ra rồi mới trộn chung với bột năng, ủ lại
một đêm tới sáng mới được làm, bột mịn thì bánh mới ngon. Nước cũng phải đủ thì
cái bánh mới phì lên, còn củi thì lúc nào cũng phải đều, lửa mà hạ xuống thì
bánh bị bở. Nói chung là làm được cái bánh này cũng hơi khó, không dễ đâu, quan
trọng là mình thức khuya mình làm”
Công đoạn phơi bánh cũng phải được tính
toán thời gian để bánh không bị quá khô và phải thường xuyên kiểm tra mặt bánh
để đổi bên sao cho bánh tráng khô đều 2 mặt. Với đôi tay khéo léo và làm nghề bằng
cả trái tim nên bánh tráng của bà rất được lòng nhiều người dân nơi đây. Là
khách hàng thường xuyên đến mua bánh tráng tại lò của bà Yến vì thích bánh
tráng làm thủ công, bà Huỳnh Thị Thanh Hồng – người dân ấp Vĩnh Tuy, xã Long
Tân cho hay: “Bánh ở đây nó có độ dai, ngon hơn, vì là bánh truyền thống hồi xưa đến
giờ, làm bằng tay nên mình thích hơn, năm nào tết cũng mua biếu cho bà con ở xa
rồi để dành ăn”.
Bà Yến ngoài công việc tráng bánh thì bà
còn là hội viên nòng cốt của Hội LHPN xã Long Tân, trong những năm qua, để giúp
bà duy trì nghề làm bánh tráng, hội phụ nữ xã cũng tạo điều kiện để bà tiếp cận
nguồn vốn ưu đãi của tỉnh hội, qua đó đã hỗ trợ số vốn là 20 triệu đồng để bà
mua máy xay gạo và sửa lại lò tráng bánh. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Chủ tịch Hội
LHPN xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch cho biết: “Ở ngoài thị trường thì có nhiều loại bánh nhưng người dân mình lại
thích và ưa chuộng cái bánh này hơn, cô làm vừa tạo được việc làm cho mình mà
còn thoả mãn sở thích của người dân địa phương”.
Đối với một vài hộ gia đình thì bánh
tráng lúc nào cũng được trữ sẵn để có dịp thì mang ra đãi khách, bởi bánh tráng
dễ ăn, dễ chế biến, đơn giản nhất vẫn là món bánh tráng cuốn cuốn với thịt luộc
hay trứng chiên ăn kèm rau sống và dưa leo chấm với nước mắm tỏi ớt là gia chủ đã
có một bữa ăn trọn vẹn đãi khách đến chơi nhà.
Xuân
Mai – Huỳnh Phúc