Những ngày này, trong không khí những ngày tháng 5 lịch
sử, cả nước đang ra sức thi đua lập nhiều
thành tích chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị
Cha già, Người lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới.
Người cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc,
mang lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024)
Hàng năm, vào ngày 19 tháng 5 cùng với cả
nước, lòng chúng ta lại bâng khuâng tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu. Ngày
19/5/1946, lần đầu tiên nhân dân ta kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
lãnh tụ vĩ đại của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta. Từ đó trở đi, cứ đến dịp
19/5, toàn dân ta cùng sống những giờ phút đặc biệt, niềm vui dâng trào, kính
yêu Bác vô hạn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn
Sinh Cung, lớn lên đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy
tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước,
tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện
Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp
đã làm cho mâu thuẫn dân tộc diễn ra hết sức gay gắt, hàng loạt phong trào yêu
nước theo các khuynh hướng khác nhau liên tiếp nổ ra nhằm giải quyết mâu thuẫn
chủ yếu đó. Các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tuy diễn ra quyết liệt, song
cuối cùng đều bị thất bại, vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một
tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc.
Với
tinh thần yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, sự nhạy bén về chính trị, Người
đã bắt đầu suy nghĩ về những nguyên nhân thành bại của các phong trào yêu nước
lúc bấy giờ và quyết tâm ra đi tìm con đường để cứu dân, cứu nước.
Trong bối cảnh đó, ngày 5 tháng 6 năm
1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm con
đường cứu nước giải phóng dân tộc với khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước để
đem lại: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Sau gần 10 năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái
Quốc đã đi đến nhiều châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở
các nước tư bản và nhiều nước thuộc địa. Sớm nhận thức được xu hướng phát triển
của thời đại, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng
Mười Nga vĩ đại. Năm 1920 Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ
nghĩa Mác – Lênin và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường giải phóng của
giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa. Người nói: “Muốn cứu nước và
giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.. Lý
luận của chủ nghĩa Mác - Lênin đã soi rọi cho Nguyễn Ái Quốc: Muốn cứu nước và
giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “Đảng cách mệnh” để “trong thì vận động
và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp
mọi nơi”. Từ nhận thức đó Nguyễn Ái Quốc ra sức chuẩn bị mọi mặt cho việc thành
lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam, Người từng bước truyền bá có hệ thống chủ
nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ trình
độ tự phát lên tự giác; đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường cộng
sản.
Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng của
những người cộng sản Việt Nam, năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng
Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức Cộng sản Đoàn làm nòng cốt, đào
tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt
Nam. Năm 1929, nhiều tổ chức cộng sản đã ra đời ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản
Đảng; An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930 được sự
phân công của Quốc tế Cộng sản lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thống
nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam.
Mùa Xuân năm 1930, Đảng cộng sản Việt
Nam được thành lập, cùng với sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Người, toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân ta đã đồng lòng, chung sức làm nên những chiến thắng vang dội
trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, kết
thúc bằng cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch
Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi hoàn toàn đưa Tổ quốc ta về một mối; mở ra một kỷ
nguyên mới: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từ đây toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân ta cùng nhau đoàn kết trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
xã hội chủ nghĩa.
Ngày 02 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí
Minh qua đời, để lại muôn vàn tiếc nuối cho toàn Đảng, dân tộc Việt Nam và nhân
dân thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng
vĩ đại, có những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và cho nhân loại tiến bộ.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện qua những nội dung như: Một là, trung với
nước, hiếu với dân: đây là điều chủ chốt của đạo đức cách mạng. Hai là, yêu
thương con người, sống có nghĩa, có tình. Ba là, cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư. Bốn là, có tinh thần quốc tế trong sáng.
Phong cách Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân
cách trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh, với tư cách là một vĩ
nhân, một nhà văn hóa kiệt xuất. Đó là một phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại,
vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực. Những nội dung chủ yếu của
phong cách Hồ Chí Minh bao gồm: Phong cách tư duy, Phong cách làm việc, Phong
cách lãnh đạo, Phong cách diễn đạt, Phong cách ứng xử, Phong cách sinh hoạt.
Để
tưởng nhớ công ơn của Bác, tháng 5 lịch sử, cả nước ta đang ra sức thi đua lập
nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại
- vị Cha già, Người lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế
giới. Người cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ
quốc, mang lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Ngày
nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập với thế giới, tư tưởng Hồ Chí
Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho
cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh.
Thiết
thực chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại huyện Nhơn
Trạch cũng đã diễn ra nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa như: Phối hợp với các
cơ quan, đơn vị tổ chức lễ phát động ra quân “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác
Hồ”, hưởng ứng Tuần lễ Đa dạng sinh học năm 2024 và hưởng ứng chương trình trồng
1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện các hoạt
động an sinh xã hội... Đặc
biệt, tuổi trẻ huyện nhà đã phát động đợt thi đua cao điểm với nhiều hoạt động
ý nghĩa, thiết thực. Trong đó, đồng loạt tổ chức các buổi sinh hoạt chi đoàn,
chi hội, sinh hoạt chủ điểm tháng 5 với chủ đề “Thanh niên với Bác Hồ”. Nhiều
đơn vị tổ chức kết nạp đoàn viên mới, đội viên mới tại các khu di tích lịch sử,
khu lưu niệm trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền về các điển hình tiên tiến học
tập và làm theo lời Bác, những tấm gương đảng viên trẻ, đoàn viên, thanh niên
ưu tú trên các lĩnh vực; tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước
nhớ nguồn”; tích cực thăm hỏi các gia đình chính sách, chăm sóc thiếu niên nhi
đồng, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn…

Tuổi trẻ Nhơn Trạch tặng quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp sinh nhật Bác
Tháng 5 sinh nhật Bác Hồ, nhớ lời Bác dạy, Đảng bộ, chính
quyền và Nhân dân huyện Nhơn Trạch ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi
cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”,
phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây
dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc…phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch, mục
tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo theo
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI đã đề ra, góp phần xây dựng quê
hương Nhơn Trạch ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đoàn Mai