Thứ 6 - 26/02/2016
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI THÀNH LẬP HUYỆN NHƠN TRẠCH (01/9/1994-01/9/2024)
ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NHƠN TRẠCH RA SỨC THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI THÀNH LẬP HUYỆN NHƠN TRẠCH (01/9/1994-01/9/2024)
ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC ANH HÙNG - LIỆT SỸ, THƯƠNG BINH, NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI NƯỚC ĐÃ XẢ THÂN VÌ SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
KHUYẾN KHÍCH CÁ NHÂN, TỔ CHỨC NỘP HỒ SƠ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH QUA CỔNG DỊCH VỤ CÔNG https://dichvucong.dongnai.gov.vn TRONG GIAO DỊCH HÀNH CHÍNH
Hiến máu giúp đời giúp người

​Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Liêm  (1976) và chị Trương Thị Huỳnh Thanh (1971) ngụ tại ấp Bình Phú, xã Long Tân từ lâu là tình nguyện viên hiến máu nhiều năm liền, số lần hiến máu của vợ chồng chị Thanh đã lên đến 42 lần, đây là điều mà không phải cặp vợ chồng nào cũng làm được.

Đồng vợ đồng chồng, sẻ chia giọt máu hồng

Kể lại cơ duyên đi hiến máu, anh Liêm tình cờ nghe được trên đài phát thanh về những hành động đẹp của đoàn viên thanh niên như: tham gia chiến dịch mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo, ra quân vệ sinh môi trường,…nhận thấy bản thân mình cũng là thanh niên nên anh đã mạnh dạn đăng ký tham gia hiến máu lần đầu tiên vào năm 2011, suốt 9 năm làm người cho máu anh đã hiến máu được 26 lần; còn chị Thanh, vợ anh Liêm sau khi thấy chồng hiến máu cứu người chị cũng mạnh dạn tham gia, đến nay cũng được 16 lần, nghe chị kể có những hôm bị cảm mà ngày hiến máu lại sắp đến, anh Liêm không dám uống thuốc vì sợ máu không đạt yêu cầu, riêng chị Thanh lại tăng cường bổ sung chất sắt như ăn nhiều rau muống, thịt bò để máu đạt chất lượng, khát khao hiến máu của anh chị làm nhiều thanh niên phải khâm phục, hiến máu đối với anh chị không còn vì phong trào, vì địa phương vận động mà điều đó đã trở thành thói quen và nghĩa vụ mà anh chị phải làm. Ngoài ra, anh chị còn truyền sự nhiệt huyết đó đến những người thân trong gia đình, nhiều người cũng trở thành tình nguyện viên hiến máu nhiều năm liền. Một điều đặc biệt nữa bắt gặp ở anh chị, đó là cả hai vợ chồng đều đăng ký tự nguyện hiến xác cho y học tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Vì sợ gia đình không đồng ý do tư tưởng những người lớn tuổi thường quan niệm khi chết thân thể phải nguyên vẹn, hiến xác là điều gì đó khá cấm kỵ nên anh chị đã âm thầm làm đơn, chỉ khi nghe ủy ban xã thông báo thì mọi người mới biết, tuy nhiên sau khi nghe anh chị giải thích ý nghĩa của việc hiến xác thì gia đình cũng đồng tình.

Với thái độ bình tĩnh khi nhắc đến việc hiến xác, anh Liêm cho biết: “Hiện phía bệnh viện thông báo chỉ còn khoảng 30 chỗ nên sợ lúc đó bệnh viện không nhận nữa, hai vợ chồng đang tìm hiểu các thủ tục để chuyển sang hiến tạng, hiến giác mạc”.

Anh Liêm làm nghề hớt tóc, còn chị Thanh là giáo viên Tiểu học, tuy thu nhập của hai vợ chồng không cao, chỉ đủ trang trải cuộc sống và nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học nhưng anh chị lại sẵn sàng bỏ ra số tiền, dao động từ 200 – 300 ngàn đồng để giúp đỡ những người đang lâm vào cảnh khó khăn, có thể là một em học sinh có mẹ bệnh nặng, một người già phải nghỉ bán nhiều ngày vì bệnh tật. Riêng anh Liêm lại tình nguyện hớt tóc miễn phí cho người già bị tai biến, không đi lại được, những người đó trước đây chính là khách hàng của anh nhưng không may bị bệnh thì anh lại sẵn sàng đến nhà hớt tóc mà không lấy tiền, những khách hàng đặc biệt này của anh có khoảng 6 người, chủ yếu ở địa bàn xã Long Tân, đối với những người nghèo khi đến tiệm cũng được anh cắt tóc miễn phí. 

Chị Thanh cho hay: “Gia đình mình cũng không khá giả gì, thu nhập chỉ đủ sống, muốn mua quần áo nhiều khi cũng phải tính toán nhưng không hiểu sao mỗi lần thấy những trường hợp khó khăn mình lại thấy thương và muốn giúp đỡ”.

Anh thợ hớt tóc thích làm thơ

Thấy anh chị vui vẻ kể về quá trình làm từ thiện của mình mà ít ai biết rằng anh Liêm lúc mới cưới chị Thanh hoàn toàn không nhớ mặt chữ, không biết tính toán, anh mặc cảm vì biết mình không bằng vợ, anh Liêm của 13 năm trước khác với anh Liêm của hiện tại, anh thậm chí còn ngại giao tiếp với mọi người xung quanh do nghĩ mình học vấn thấp. Thấy chồng chỉ quanh quẩn ở nhà, không đi đâu, chị Thanh mới bắt đầu dạy chữ cho anh và dạy anh các phép toán cơ bản, có câu “cần cù bù thông minh”, ngày nào anh cũng miệt mài tập đọc, tập viết, tập làm toán giống học sinh Tiểu học, nhờ sự siêng năng cùng với thói quen thích đọc sách mà chỉ vài năm sau anh đã có thể tự làm thơ tặng vợ, những bài thơ của anh không hoa mỹ về câu từ nhưng mộc mạc và khá dễ nhớ. Đơn cử như bài thơ “Gia đình hạnh phúc” do anh sáng tác tuy có vài dòng nhưng lại khái quát được gia đình anh chị, đó là:

“Một vợ, hai con là hạnh phúc

Cả nhà ba gái chỉ một trai

Giáo viên là vợ vốn xưa nay

Chồng thời học vấn có hơn ai

Mà nhà hạnh phúc thật là hay”

2019.18.5 anh Liem chi Thanh.png
Vợ chồng anh Liêm chị Thanh



Chị Thanh chia sẻ: “Bản thân anh rất siêng năng, nhờ anh thường xuyên đọc sách, sách gì hay là anh đọc nên anh học rất nhanh, nhớ rất tốt, mà sách anh thích nhất là sách về Bác, về Lênin, bản thân mình là giáo viên mà chưa biết sáng tác thơ, còn anh vừa đọc thông viết thạo đã viết được rất nhiều bài”.

Nghe vợ nhắc đến những bài thơ mình sáng tác với sự tự hào, anh Liêm vội vào nhà mang ra một tập giấy là những bài thơ do anh sáng tác suốt mấy năm qua. Trong đó có những bài nói về tình nghĩa vợ chồng, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam, bình đẳng giới,…Có một bài anh viết về Bác tuy câu từ đơn giản nhưng thể hiện được tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác, với tựa đề là “Liều thuốc Bác trao”, xin trích dẫn một đoạn như sau:

“Chữ phê bình liều thuốc Bác trao

Cho cán bộ nâng cao phẩm chất

Trong Di chúc thiết tha Bác dặn

Phải có tình đồng chí yêu thương

Phê sự việc phải lấy tình thương

Chớ đừng có đao to búa lớn

Lời Bác dặn, chúng ta ghi nhớ

Phải giữ gìn văn hóa nước nhà

Bác chúng ta tuy đã đi xa

Bác để lại cho ta Di chúc…”

Ngưỡng mộ Bác Hồ nên anh thường xuyên tìm đọc sách hay các mẫu chuyện kể về Bác, qua đó anh học được ở Bác sự giản dị và tính tiết kiệm. Theo anh, giản dị không phải chỉ ở cách ăn mặc mà còn ở cách nói chuyện, cách cư xử với mọi người xung quanh, không khoe khoang, phô trương cuộc sống, còn đối với anh chị thì tiết kiệm không đồng nghĩa với keo kiệt, bủn xỉn, việc nào nên chi thì chi.

Chẳng hạn như việc hỗ trợ  tiền cho những tình nguyện viên của xã Long Tân mỗi lần đi hiến máu, mỗi người được 30 ngàn, mặc dù là số tiền nhỏ nhưng  anh chị lại nghĩ “người ta đã có công cho máu thì mình cũng phải có gì đó cho lại”, của ít lòng nhiều và anh chị cảm thấy vui, giống như mình làm được việc có ích cho xã hội. Anh Liêm tâm niệm, khi nào cuộc sống dư giả anh sẽ hỗ trợ tiền cho tất cả tình nguyện viên trên địa bàn đến hiến máu.

Nghĩa cử cao đẹp của anh Liêm chị Thanh như một làn gió mới, lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng, anh chị không tiếc giọt máu, thân xác của mình khi tự nguyện hiến tặng cho y học và đó là hành động không phải ai cũng can đảm làm được. Do đó, anh chị đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội CTĐ tỉnh Đồng Nai, Hội CTĐ huyện Nhơn Trạch khen thưởng gương hiến máu và gương “người tốt việc tốt” trong những năm qua.

Xuân Mai





 



1 - 3 Next
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Xem thêm

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NHƠN TRẠCH - TỈNH ĐỒNG NAI

Chịu trách nhiệm chính: Ông Lương Hữu Ích – Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch

             Địa chỉ: Số 01, đường Phạm Văn Thuận, ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai

Điện thoại: (0251)3521.234 – 3521.110 – Fax: (0251)3521.090 – Email: ubnd-nt@dongnai.gov.vn

Giấy phép xuất bản số 52/GP-TTĐT ngày 11/8/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

-------------------------------------------------------------------------------

Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa và Thông tin - Địa chỉ: Ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - Điện thoại: (0251)3251.139, Email: pvhtt-nt@dongnai.gov.vn

(Việc trích đăng lại mọi thông tin từ Website này xin vui lòng ghi rõ nguồn trích dẫn)​​