Thứ 6 - 26/02/2016
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI THÀNH LẬP HUYỆN NHƠN TRẠCH (01/9/1994-01/9/2024)
ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NHƠN TRẠCH RA SỨC THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI THÀNH LẬP HUYỆN NHƠN TRẠCH (01/9/1994-01/9/2024)
ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC ANH HÙNG - LIỆT SỸ, THƯƠNG BINH, NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI NƯỚC ĐÃ XẢ THÂN VÌ SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
KHUYẾN KHÍCH CÁ NHÂN, TỔ CHỨC NỘP HỒ SƠ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH QUA CỔNG DỊCH VỤ CÔNG https://dichvucong.dongnai.gov.vn TRONG GIAO DỊCH HÀNH CHÍNH
Người cán bộ lão thành cách mạng và bài học quý giá về tinh thần yêu nước
 

Là cán bộ lão thành cách mạng với 75 năm tuổi Đảng, ông Đỗ Hồng Giang (sinh năm 1928), ngụ tại khu phố Mỹ Khoan, thị trấn Hiệp Phước đã có nhiều đóng góp to lớn cho quân đội ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Dù đã ở tuổi "xưa nay hiếm", sức khỏe giảm sút nhiều song tinh thần vẫn còn rất minh mẫn. Nụ cười và đôi mắt của ông luôn ánh lên niềm vui, niềm tự hào khi kể về những kỷ niệm của mình và cảm xúc dâng trào khi hòa bình được lập lại.

11.3.2021a.jpg 

Ở tuổi 93, ông Đỗ Hồng Giang vẫn tập thể thao và chăm sóc cây cảnh


Nhớ lại thời kỳ tham gia kháng chiến, đó vừa là khoảng thời gian đầy gian khổ nhưng không kém phần oanh liệt của ông và đó cũng chính là những kỷ niệm, những hồi ức mà ông không bao giờ quên được trong suốt phần đời còn lại.

Ông Giang tâm sự, gia đình ông có truyền thống cách mạng, cả hai người chú và các anh ruột trong gia đình đều tham gia hoạt động cách mạng, bị địch bắt và tra tấn dã man, riêng ông ngay từ khi 14 tuổi cũng đã tự thấy bản thân có tinh thần cách mạng sâu sắc, từ hình ảnh của người chú, người anh của mình đã dần dần thôi thúc ông phải làm gì đó cho tổ quốc. Ông tình nguyện trở thành người liên lạc cách mạng thông qua công việc bán báo, từ kinh nghiệm có được, ông tiếp tục được giao các nhiệm vụ quan trọng hơn, khó khăn hơn.

Năm 1945, ông nghỉ học và bắt đầu tham gia tổ chức Đoàn thanh niên cứu quốc, thời điểm đó ông chỉ mới 16 tuổi, đến năm 18 tuổi ông chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào đúng ngày 1/3/1946, sinh hoạt tại Chi bộ huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình. Sau đó, ông được tổ chức tin tưởng giao giữ chức vụ Bí thư Huyện đoàn phụ trách 02 địa phương là huyện Duyên Hà và Hưng Nhân (tỉnh Thái Bình), sau này hợp nhất thành huyện Hưng Hà ngày nay, với nhiệm vụ bí mật vận động thanh niên tham gia cách mạng, kháng chiến cứu nước.

Sau đó, ông tiếp tục được Đảng phân công tham gia lực lượng vũ trang của Việt Minh, thấm nhuần tư tưởng cách mạng và tinh thần dân tộc, không sợ hiểm nguy, gian khổ, khi đang theo học sĩ quan tại Vân Nam (Trung Quốc), ông Giang nhận lệnh vận chuyển quân trang, vũ khí, đạn dược cho quân đội ta thực hiện chiến dịch Biên Giới tại Lạng Sơn, Cao Bằng, công việc vận chuyển vô cùng nặng nhọc, phải vác vũ khí trên vai và đi bộ gần một tháng mới tiếp viện được cho quân ta. Vào năm 1953, ông tham gia chiến đấu ở chiến dịch Thượng Lào (Sầm Nưa); năm 1972 tham gia chiến dịch Cánh Đồng Chum và tham gia chiến trường Campuchia với nhiệm vụ là chuyên gia quân sự, sau 01 năm thì ông về nước. Từ năm 1954 đến năm 1975, ông tiếp nhận nhiệm vụ tại Cục Địch vận (Hà Nội). Sau năm 1975, được sự điều động của cấp trên, ông Giang vào TP.HCM tiếp tục làm nhiệm vụ địch vận và vợ ông về Biên Hòa làm việc dưới hình thức tăng cường cán bộ cho các tỉnh kết nghĩa phía Nam. Thời gian sau, để tiện cho việc chăm sóc ba mẹ khi tuổi già, các con của ông Giang đã đón vợ chồng ông về sống và phụng dưỡng tại thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch.

Chia sẻ về cơ duyên khi tiếp nhận nhiệm vụ tại Cục Địch vận (Hà Nội), ông Giang cho biết là nhờ được học tiếng Pháp khi còn là học sinh nên ông được bố trí nhiệm vụ cơ quan tham mưu cho cấp trên về công tác vận động, tuyên truyền đến tù binh. Tuy không trực tiếp nói chuyện, cảm hóa, giáo dục binh lính địch nhưng các văn bản do ông tham mưu được viết bằng Tiếng Pháp cũng giúp binh lính hiểu được những ưu đãi và chính sách nhân đạo của ta đối với tù binh. Ông cũng xác định hình thức địch vận là việc làm có khả năng tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi quan điểm, nhận thức của binh sĩ địch về cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Ông cũng từng tham gia vào đoàn quân Tây Tiến và cũng từng trải qua sự hành hạ của căn bệnh sốt rét rừng, nhớ lại khoảng thời gian đó ông không nghĩ rằng mình có thể chống chọi lại bệnh tật trong hoàn cảnh thiếu thốn về mọi mặt, nhất là thuốc men. Vì lượng thuốc ký ninh dùng để điều trị sốt rét bị khan hiếm nên ông và đồng đội phải pha với nước và chia nhau uống để cầm cự; chứng kiến những đồng đội của mình hi sinh vì bệnh tật ông vẫn luôn tự nhủ lòng phải vượt qua, phải mau khỏe để tiếp tục được chiến đấu, được cống hiến cho cách mạng. Ông thà hi sinh trên chiến trường chứ quyết không bỏ mình chốn “rừng thiêng nước độc”. Sau 1 tuần điều trị, sức khỏe của ông dần hồi phục và có thể đi lại được, không chờ đợi lâu hơn ông quyết định một mình đi hơn 5km đoạn rừng đầy thú dữ về với trung đội.

Có thời gian ông cùng đại đội đi thực tập và chiến đấu ở Sơn La, ông kể rằng, quân đội ta tham gia chiến đấu nhưng lại vô cùng khó khăn, thiếu thốn vũ khí đạn dược, phải tận dụng lại những vỏ đạn để tái sử dụng và phải có vỏ đạn thì mới đổi được đạn mới, ngoài ra mỗi lần bắn thì bộ đội ta phải tiến hành thông nòng súng vì một số vỏ đạn bị kẹt lại bên trong do sử dụng nhiều lần. Khi quân Nhật rút quân, bộ đội ta thu được nhiều đầu đạn của súng bắn lựu loại 55 mm nhưng lại không có súng, để có thể sử dụng những đầu đạn này, quân ta đã có sáng kiến bỏ đầu đạn vào ống tre và treo trên cao để phục kích, khi có quân địch đi vào thì cắt dây để đầu đạn rơi xuống, tiêu diệt địch.

Ông Giang xúc động chia sẻ: “Lúc đó không nghĩ mình đánh nổi nhưng chỉ có tinh thần yêu nước, không sợ chết mới là điều tiên quyết, còn lại những thứ khác chúng ta rất kém so với địch. Sau này, nhờ có ông Trần Đại Nghĩa mà công binh xưởng mới ngày càng mạnh về chế tạo vũ khí”.

Ông tâm sự, quân đội ta có những cách đánh giặc vừa sáng tạo nhưng cũng vừa mạo hiểm, thậm chí muốn tiêu diệt mục tiêu có khả năng phải hi sinh tính mạng, bộ đội cũng sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong chiến đấu đã khó khăn, gian khổ thì việc ăn uống của bộ đội càng khổ hơn, chủ yếu là ngô, khoai, sắn; có lúc cầm tiền mua gạo nhưng lại không đủ, may được dân thương nên bán thiếu, bán lỗ để bộ đội có được bữa cơm; thời kỳ chiến tranh dân ta ai cũng khổ, cơm không đủ ăn nhưng sẵn sàng “nhường cơm xẻ áo” để tiếp tế cho các chiến sỹ, bộ đội đánh giặc.

Bị thương do bom đạn trong quá trình tham gia kháng chiến, ông Giang về hưu sớm khi chỉ hơn 50 tuổi, xác nhận thương binh bậc 2/4, cấp bậc là Trung tá. Ông Giang cũng chia sẻ: “Sau khi về hưu, tôi về sống với con cháu tại Biên Hòa, Đồng Nai, sau đó chuyển về sống ở thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, trong thời gian sinh sống tại địa phương, Đảng và Nhà nước, chính quyền rất quan tâm, thăm hỏi rất chu đáo; chế độ khám chữa bệnh cho cán bộ lão thành cũng rất đầy đủ, 1 năm được thăm khám tổng quát 2 lần; lãnh đạo các cấp cũng đến thăm, tặng quà và chúc mừng dịp lễ, tết”.

Ông Giang có hai người con, con trai ông là ông Đỗ Hồng Sơn (sinh năm 1959) cũng là Đảng viên 34 năm tuổi Đảng, ông Sơn là cán bộ công an tỉnh Đồng Nai đã về hưu có cấp bậc là Thượng tá. Hai người cháu nội của ông Giang hiện cũng đang theo ngành công an tại các địa phương trên địa bàn tỉnh và hiện đều là Đảng viên. Theo ông Sơn, bản thân ông và các con không bị bắt buộc phải học hoặc theo ngành quân đội hoặc công an nhưng có lẽ vì dòng máu cách mạng và niềm tự hào khi được nghe kể lại những chiến công của người cha, người ông của mình thời trẻ đã thôi thúc các con, các cháu tiếp bước sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền hòa bình của đất nước.

Tuy tuổi cao sức yếu, thính lực cũng giảm đi vài phần nhưng ông Giang vẫn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo về tinh thần học tập. Khi ở vào độ tuổi 70, để giúp kèm cặp các cháu học Tiếng Anh, ông đã tự mình đạp xe đến trung tâm học thêm ngoại ngữ, thậm chí ông thi đậu và lấy được Chứng chỉ B Tiếng Anh dưới sự ngạc nhiên và khâm phục của các học viên khác.

Năm nay, ông Giang đã 93 tuổi nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn, ông nhớ tất cả các cột mốc thời gian trong thời kỳ tham gia kháng chiến và kể lại vô cùng rành mạch. Những hồi ức về cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ cứu nước qua lời kể của ông chính là trang lịch sử sống động nhất, là kho tàng lịch sử quý giá về người cán bộ lão thành cách mạng kiên trung, anh dũng mà thế hệ ngày nay cần lưu giữ lại để tiếp tục truyền tải và giáo dục cho con cháu mai sau về tinh thần cách mạng và truyền thống yêu nước của dân tộc ta.


Xuân Mai

 


1 - 3 Next
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Xem thêm

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NHƠN TRẠCH - TỈNH ĐỒNG NAI

Chịu trách nhiệm chính: Ông Lương Hữu Ích – Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch

             Địa chỉ: Số 01, đường Phạm Văn Thuận, ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai

Điện thoại: (0251)3521.234 – 3521.110 – Fax: (0251)3521.090 – Email: ubnd-nt@dongnai.gov.vn

Giấy phép xuất bản số 52/GP-TTĐT ngày 11/8/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

-------------------------------------------------------------------------------

Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa và Thông tin - Địa chỉ: Ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - Điện thoại: (0251)3251.139, Email: pvhtt-nt@dongnai.gov.vn

(Việc trích đăng lại mọi thông tin từ Website này xin vui lòng ghi rõ nguồn trích dẫn)​​