Thứ 6 - 26/02/2016
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI THÀNH LẬP HUYỆN NHƠN TRẠCH (01/9/1994-01/9/2024)
ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NHƠN TRẠCH RA SỨC THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI THÀNH LẬP HUYỆN NHƠN TRẠCH (01/9/1994-01/9/2024)
ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC ANH HÙNG - LIỆT SỸ, THƯƠNG BINH, NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI NƯỚC ĐÃ XẢ THÂN VÌ SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
KHUYẾN KHÍCH CÁ NHÂN, TỔ CHỨC NỘP HỒ SƠ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH QUA CỔNG DỊCH VỤ CÔNG https://dichvucong.dongnai.gov.vn TRONG GIAO DỊCH HÀNH CHÍNH
Tội phạm công nghệ cao và mặt trái của mạng xã hội

Huyện Nhơn Trạch là một trong những địa phương đông dân cư của tỉnh. Với hàng trăm ngàn công nhân, người lao động đang làm việc và sinh sống, đây là nhóm đối tượng mà bọn tội phạm nhắm đến và thực hiện hành vi lừa đảo. Khác với các chiêu thức lừa đảo cũ, bọn tội phạm dựa vào công nghệ thông tin, các giao dịch tiền bạc, mua sắm trực tuyến để lừa đảo khiến cho công tác đấu tranh, truy vết gặp nhiều khó khăn.

Người lao động sập bẫy lừa khi muốn kiếm thêm thu nhập

lm.jpg

Thời gian gần đây, tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, nhiều người lao động với mong muốn có thêm thu nhập trang trải chi phí cuộc sống hằng ngày đã tham gia vào các trang tuyển dụng cộng tác viên online chuyên chốt đơn hàng với mức lương hấp dẫn lên đến 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đến khi tham gia thì lại chịu cảnh “tiền mất, tật mang”. Theo tìm hiểu, trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều các trang quảng cáo tuyển dụng cộng tác viên online với lời quảng cáo hấp dẫn như: “Tuyển nhân viên chốt đơn hàng - lương trả theo ngày. Mức lương 6-20 triệu đồng/tháng, tuỳ năng lực. Công việc đơn giản thời gian làm việc linh hoạt, rảnh giờ nào làm giờ đó. Yêu cầu có thẻ ATM để nhận lương”. 

Thời gian qua, đã có rất nhiều công nhân trên địa bàn gửi đơn trình báo đến Công an các địa phương và Công an Khu công nghiệp Nhơn Trạch về việc bị lừa số tiền hàng 100 triệu đồng vì muốn kiếm thêm thu nhập trên các tài khoản ở trang mạng xã hội Facebook đăng tin tuyển dụng cộng tác viên và thm gia các chương trình khuyến mãi, mua hàng giá rẻ qua mạng…Được biết, tại cơ quan Công an xã Long Tân và  Công an Khu công nghiệp Nhơn Trạch đã tiếp nhận đơn thư tố cáo về hành vi lừa đảo nêu trên của các nạn nhân.

Thiếu tá Đặng Quang Hùng - Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, Công an huyện Nhơn Trạch cho biết: Ngoài các thủ đoạn trên, các đối tượng còn dùng thủ đoạn khác là hình thức lừa đảo trúng thưởng các sản phẩm có giá trị cao như: Xe máy, tivi, điện thoại, gọi cho nạn nhân và thông báo rằng “anh, chị đã may mắn trúng thưởng của công ty”, đồng thời yêu cầu người dân chuyển khoản trước một số tiền gọi là “phí vận chuyển” hoặc tiền thuế thì sẽ nhận được quà tặng, sau khi nạn nhân đã chuyển tiền thì cũng là lúc “lời hứa” không bao giờ được thực hiện”. Tinh vi hơn, những đối tượng này tiếp tục có chiêu trò mới, đó là hình thức mua xe giá rẻ. Lập một trang web có nội dung bán xe máy giá rẻ nhắm vào tâm lý muốn mua xe “xịn” với giá rẻ, khiến không ít nạn nhân tiếp tục sập bẫy. Cụ thể, muốn mua xe, khách phải đóng các khoản phí và chuyển tiền đặt cọc từ 30-50% cho bên bán. Để tạo sự tin tưởng, các đối tượng dùng phần mềm để chỉnh sửa giấy tờ, biển số xe giống y như thật rồi gửi cho khách xem. Phương thức đặt cọc chủ yếu là chuyển khoản từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Khi nhận được tiền cọc, các đối tượng liền... chặn liên lạc đối với nạn nhân. Mặc dù các cơ quan truyền thông, công an đã cảnh báo nhiều lần nhưng không ít người vẫn “sập bẫy”. Hiện tại, tội phạm công nghệ cao chưa có dấu hiệu giảm mà ngược lại ngày một gia tăng với mức độ ngày một tinh vi hơn. Hậu quả là nạn nhân mất tiền, thậm chí mất nhà, gia đình li tán, tâm lý bất an, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của mỗi địa phương.

Vay tiền trên mạng xã hội: Người lao động lâm cảnh nợ chồng nợ

0.1.2022339 - Copy.jpg

Với mong muốn có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống sau thời gian dài dịch bệnh, nhiều người lao động “nhẹ dạ cả tin” đã mất tiền oan khi tìm kiếm việc làm thêm và vay tiền trên mạng xã hội. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng huyện Nhơn Trạch đã tiếp nhận hơn 10 trường hợp tố cáo hành vi bị lừa đảo trên mạng, gây thiệt hại cho các nạn nhân hàng trăm triệu đồng.

Đại diện Công an huyện cho biết, các hành vi lừa đảo trên mạng đã được các cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần và thường xuyên tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn mới nhưng nhiều nạn nhân vẫn “sập bẫy”. Ngoài ra, sau khi các vụ việc lừa đảo xảy ra, nạn nhân cung cấp đầy đủ thông tin về tên, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại di động của các đối tượng liên quan... nhưng công tác điều tra vẫn gặp nhiều khó khăn do thông tin đều là giả. Nhiều trường hợp đối tượng lừa đảo gọi đến đều biết rất rõ về thông tin cá nhân của nạn nhân, do đó người dân thường mất cảnh giác; các đối tượng phạm tội nắm rất rõ về “con mồi”. Ngoài ra, nhiều hình thức chuyển tiền, cất giữ tiền trên mạng ngày càng đa dạng như sử dụng ví điện tử, internet banking... rất được người dân ưa chuộng, việc chuyển khoản quá dễ dàng cũng là nguyên nhân để nạn nhân “mất tiền” vì sự cả tin và hình thức chuyển tiền này rất khó để theo dõi dòng tiền được chuyển. Các đối tượng trên mạng thường hoạt động theo nhóm và có đường dây liên hệ với nhau, trong trường hợp bị phát hiện bắt giữ sẽ có phương thức tiêu hủy chứng cứ rất tinh vi. Trong khi đó, đối tượng chủ mưu, cầm đầu sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội đều rất thông thạo về công nghệ, luôn tìm cách xóa các dấu vết, việc lần tìm ra manh mối là cực kỳ khó khăn.

Trung tá Nguyễn Đức Tuấn - Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an huyện khuyến cáo: “Ngoài việc người dân phải cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch ngân hàng, ví điện tử qua mạng thì không nên tiết lộ thông tin tài khoản, mã OTP và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ. Đặc biệt, người dân không nên ham lợi ích trước mắt nếu đối phương chưa chứng minh được hình thức tuyển nhân viên online, mua hàng giá rẻ, vay tiền qua mạng là hợp pháp, có căn cứ rõ ràng...”.

Hậu quả do tội phạm sử dụng công nghệ cao gây ra với mục đích trục lợi cá nhân đã tạo nên tâm lý bất an cho người dân, đe dọa đến sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội và gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự của mỗi địa phương. Do đó, sự đề cao cảnh giác của người dân với các chiêu lừa đảo qua mạng chính là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhằm bảo vệ tài sản cá nhân và ngăn chặn sự phát triển của loại hình tội phạm này.

“Giải bài toán” đấu tranh, triệt xóa tội phạm công nghệ

Không riêng huyện Nhơn Trạch mà tình trạng lừa đảo qua mạng đang diễn ra tại nhiều địa bàn trên phạm vi cả nước. Nạn nhân thường là công nhân, người lao động có thu nhập thấp, người đang gặp khó khăn về tài chính. Lợi dụng nhu cầu cần tiền, tận dụng thông tin sơ hở của khách hàng, các đối tượng bằng nhiều thủ đoạn khác nhau đã gây nên nhiều vụ lừa đảo từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Hành vi này cần tiếp tục lên án, đấu tranh, triệt xoá để xây dựng môi trường mạng lành mạnh.

Hiện nay việc đăng ký sim điện thoại và cấp thẻ ATM của các đơn vị nhà mạng và phía ngân hàng rất nhanh chóng, thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, điều đó đã vô tình làm cho các đối tượng có ý định lừa đảo lợi dụng để thực hiện đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng, mua các sim “rác” và dễ dàng “hàng động”. Thậm chí, các đối tượng có thể mua nhiều sim “rác” hoặc mua lại sim từ người khác để tạo ra nhiều tài khoản trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, mạng xã hội lúc này trở thành “mảnh đất màu mỡ” để tội phạm khai thác. Tương tự với tài khoản ngân hàng, đối tượng dùng CMND để lập thẻ ATM hoặc mua bán thẻ ATM từ người khác. Những trường hợp này, mặc dù bị hại cung cấp đầy đủ họ tên, năm sinh, thậm chí số CMND nhưng công an rất khó tìm ra “người thật” để xử lý. Theo Công an huyện, các hành vi lừa đảo trên mạng đã được các cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần và thường xuyên tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn mới nhưng nhiều nạn nhân vẫn “sập bẫy”, chính vì vậy, phương thức đấu tranh hiệu quả nhất với tội phạm công nghệ vẫn là sự đề cao cảnh giác, sự tỉnh táo, sáng suốt của người dân để nhận ra các chiêu trò của các đối tượng. Bên cạnh nỗ lực của ngành công an, cũng cần sự hợp tác, phối hợp giữa cơ quan thực thi pháp luật về an ninh mạng và các nhà mạng, ngân hàng… nhằm tăng cường bảo mật thông tin người dùng. Đồng thời, phải tăng cường công tác tuyên truyền kịp thời, cảnh báo người dân các thủ đoạn, phương thức lừa đảo mới qua mạng, từng bước kéo giảm số vụ việc trên địa bàn huyện. “Ngành công an đang nỗ lực chuyển đổi CMND sang thẻ CCCD. Thẻ CCCD được đồng bộ dữ liệu dân cư quốc gia. Hy vọng sẽ hạn chế việc sử dụng thông tin để thực hiện hành vi phạm pháp”.

Được biết, trong những tháng đầu năm 2022, Công an huyện đã chuyển văn bản tuyên truyền cho các xã, thị trấn để phát cho người dân, đồng thời thực hiện file âm thanh phát trên đài truyền thanh tại địa phương. Song song đó, trong kế hoạch tuyên truyền trong quý II/2022, công an huyện cũng lựa chọn một số công ty để tuyên truyền sâu rộng hơn và có các đội nghiệp vụ báo cáo từng chuyên đề, trong đó có lồng ghép về phòng, chống tội phạm công nghệ cao. Ông Dương Quốc Bình – Chủ tịch LĐLĐ huyện cho biết: Hiện nay nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng và cho vay “tín dụng đen” mà nạn nhân là công nhân, người lao động đang là vấn đề được LĐLĐ huyện rất quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với các CĐCS. LĐLĐ huyện cũng đã làm việc với Công an huyện về việc triển khai các buổi tuyên truyền về các hình thức lừa đảo qua mạng để công nhân, người lao động biết cách phòng ngừa, từ đó yên tâm lao động, sản xuất.

Luật sư Nguyễn Thành Ngoan, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM và Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai cho biết, Chương XVI, Luật Hình sự quy định: Tùy theo hành vi, mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ từ 3 năm hoặc cao nhất là chung thân.  Điều 290 cũng quy định: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm doạt tài sản, người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị phạt tù với mức thấp nhất là 6 tháng và cao nhất đến 20 năm tù giam… Nghị định 117/2018/NĐ-CP về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để xác minh chủ sở hữu và truy xuất thông tin người dùng có nội dung: tùy theo trường hợp cơ quan công an có quyền yêu cầu ngân hàng và ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin khách hàng.

Đấu tranh với tội phạm công nghệ quan trọng nhất phải từ phía người dùng mạng, đề cao cảnh giác với các lợi ích “không làm mà có” hoặc “làm ít hưởng nhiều”. Bên cạnh đó là sự phối hợp các cơ quan, ban ngành, các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến trong cung cấp, xác minh, bảo mật thông tin người dùng. Việc thành lập Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của tỉnh Đồng Nai cũng là mũi nhọn để lực lượng công an triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, kéo giảm loại tội phạm này trong thời gian tới.

Xuân Mai


1 - 3 Next
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Khu công nghiệp Nhơn trạch 5
Xem thêm

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NHƠN TRẠCH - TỈNH ĐỒNG NAI

Chịu trách nhiệm chính: Ông Lương Hữu Ích – Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch

             Địa chỉ: Số 01, đường Phạm Văn Thuận, ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai

Điện thoại: (0251)3521.234 – 3521.110 – Fax: (0251)3521.090 – Email: ubnd-nt@dongnai.gov.vn

Giấy phép xuất bản số 52/GP-TTĐT ngày 11/8/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

-------------------------------------------------------------------------------

Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa và Thông tin - Địa chỉ: Ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - Điện thoại: (0251)3251.139, Email: pvhtt-nt@dongnai.gov.vn

(Việc trích đăng lại mọi thông tin từ Website này xin vui lòng ghi rõ nguồn trích dẫn)​​